Thị trường

Mỹ chi 10 tỉ đô khai thác dầu khí ở Việt Nam

Thỏa thuận hợp tác này triển khai với Exxon Mobil - một đại gia năng lượng Mỹ thông qua dự án điện - khí.

Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) thỏa thuận có thể triển khai trong năm 2015.

Chia sẻ trên tờ Vnexpress, ông Hậu cho biết: Exxon tỏ ra rất quan tâm đến việc đầu tư vào mỏ này, cũng như hệ thống đường ống và nhà máy xử lý. PetroVietnam sẽ là nhà đầu tư chính vào nhà máy điện, với tổng chi phí cho dự án "vào khoảng 10 tỷ USD".

Dù tình hình Biển Đông liên tục có những căng thẳng song các nước vẫn mặn mà hợp tác dầu khí với Việt Nam
 

Đại diện Exxon cũng khẳng định: "Exxon Mobil đang đàm phán với PetroVietnam, các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp để đánh giá độ khả thi của việc phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên ở miền Trung Việt Nam".

Theo đại diện phía Việt Nam, nhà máy điện này sẽ giúp tiêu thụ 6.000-8.000 tỷ m3 khí tự nhiên tại mỏ khí ở miền Trung. Khối lượng này tương đương hai phần ba dự trữ của Thái Lan và Myanmar.

Như vậy đến thời điểm này không chỉ Nga, Mỹ mà cả Nhật Bản, Ấn Độ... đều mặn mà quan tâm đến hợp tác dầu khí với Việt Nam.

Theo đó một đại gia dầu khí của Nga là Gazprom Neft cũng lên kế hoạch mua 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất và đầu tư mở rộng nhà máy.

Hiện thỏa thuận khung đã được công ty Gazprom Neft (Nga) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) ký kết. Đây cũng là nội dung về việc hợp tác đầu tư dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Với Ấn Độ cũng đã có hợp tác thăm dò khai thác dầu khí trên Biển Đông. Mới đây Việt Nam cũng đã gia hạn một năm đối với hợp đồng cho Ấn Độ thuê 2 lô thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Theo Times of India đưa tin ngày 21/8, Việt Nam đã gia hạn hợp đồng cho Ấn Độ thăm dò khai thác dầu khí tại lô 128 ở Biển Đông thêm một năm nữa nhân chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Ấn Độ, bà Sushma Swaraj đến Việt Nam.

Nhật Bản cũng là quốc gia từng có hợp tác dầu khí với Việt Nam rất chặt chẽ. Hiện Tập đoàn công ty X Nippon Oil & Energy đang tìm cách xây dựng các nhà máy lọc dầu và các trạm xăng tại Indonesia và Việt Nam, giữa lúc mức tiêu thụ nhiên liệu sút giảm trong nội địa. Đây được coi là dự án đầu tư chủ yếu đầu tiên trong lĩnh vực khai thác dầu bên ngoài Nhật Bản.

Mức tiêu thụ dầu của Nhật Bản đã giảm 1/5 trong thập niên qua, và được dự báo sẽ sụt giảm thêm 8% trong 5 năm tới, dựa trên một phúc trình do một ủy ban về năng lượng của chính phủ Nhật Bản đưa ra hồi tháng Ba năm nay.

Trong khi đó tại Indonesia và Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ tăng từ 1% tới 2% một năm, hai nước này với dân số lần lượt lên tới 240 triệu và 90 triệu, đang tìm cách gia tăng khả năng lọc dầu để giảm thiểu xăng dầu nhập cảng rất tốn kém. Một công ty lọc dầu Nhật Bản khác hiện đang giúp xây nhà máy lọc dầu thứ nhì của Việt Nam.

Theo Đất Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo