Xã hội

Mỹ có kiềm chế được Trung Quốc ngoài Biển Đông?

Sử dụng máy bay do thám, tăng hiện diện quân sự gần khu vực tranh chấp ở Biển Đông... Mỹ cảnh báo Trung Quốc nhưng chưa đủ làm nước này sợ.

Những ngày qua, máy bay trinh sát Mỹ nhiều lần lượn quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 3/2014, Mỹ cũng điều máy bay trinh sát P-8A bay trên không phận của bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Khi ấy, các tàu Trung Quốc đang có mặt ở đó nhằm ngăn chặn tàu của Philippines cung cấp lương thực cho binh lính của nước này đang đồn trú trên một chiếc tàu gần đó. Những chiếc máy bay của Mỹ đã bay với độ cao thấp để chắc chắn rằng tàu Trung Quốc có thể nhìn thấy.
 
Quân đội Mỹ cũng chỉ thị Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii tham gia phát triển một hệ thống thông tin hàng hải khu vực, cho phép chính phủ các nước thuộc tây Thái Bình Dương tiếp cận thông tin chi tiết về vị trí các tàu trong khu vực. Mỹ cũng hỗ trợ Philippines, Nhật Bản và một số quốc gia khác các hệ thống radar và theo dõi tiên tiến. Hiện nay Washington đang nghiên cứu cách thức để có thể chia sẻ mạng lưới thông tin này trên quy mô lớn hơn.
 
Các tàu USS Kidd (gần), USS John S. McCain (giữa) và USS Stethem tuần tra biển Đông ngày 7/7
 
Gần đây nhất, ngày 7/7, 3 tàu khu trục thuộc lớp Aleigh Burke của Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đã cùng tuần tra ở  Biển Đông, trong khu vực Hạm đội 7 của Mỹ đảm nhận trách nhiệm hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ đang thay đổi chiến thuật nhằm kiềm chế Trung Quốc mà không làm tranh chấp trong khu vực leo thang thành xung đột quân sự. Mỹ đang ngầm gửi một thông điệp tới Trung Quốc rằng: "Chúng tôi biết các anh đang làm gì, hành động của các anh sẽ gây hậu quả và chúng tôi có khả năng và cả sự sẵn sàng có mặt ở đây", Finacial Times dẫn lời một cựu quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc cho biết.
 
Song song với các hoạt động trên biển, tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng liên tiếp đưa ra những cảnh báo đối với Trung Quốc về tranh chấp trên biển. Ông mềm mỏng nhấn mạnh Mỹ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc nhưng kêu gọi Bắc Kinh hãy thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì ổn định ở châu Á.
 
"Chúng tôi hoan nghênh sự nổi lên của một Trung Quốc hòa bình, ổn định, thịnh vượng, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của khu vực và chọn đóng vai trò trách nhiệm trong các vấn đề thế giới”, ông Kerry nói.
 
Tuy nhiên, đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thẳng thừng đề nghị Mỹ nên tôn trọng "chủ quyền lãnh thổ" của Trung Quốc và hai nước nên kiềm chế không áp đặt quan điểm của họ đối với phía bên kia.
 
Thậm chí, ông Tập còn nhắc lại rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là đủ rộng lớn cho cả 2 quốc gia, ông kêu gọi hai bên giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
 
Trên Biển Đông, gã khổng lồ "xấu tính" tiếp tục có các động thái leo thang gây hấn gây căng thẳng nhiều hơn. Đặc biệt, Trung Quốc vừa điều 3 tàu ngầm hạt nhân đến Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc đã biên chế 3 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo cho Hạm đội Nam Hải. Đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh đưa nhóm tàu ngầm tên lửa đạn đạo đến một căn cứ tiền tiêu. Ngoài 3 tàu ngầm nói trên, Trung Quốc cũng vừa điều 2 chiếc tàu hộ tống lớp Giang Đảo (Type 056) đến căn cứ của Hạm đội Nam Hải.
 
Như vậy, có vẻ như chính Trung Quốc đang đặt Mỹ ở ngã ba đường: hoặc để mặc Trung Quốc tự tung tự tác, hoặc bắt tay với Trung Quốc cùng ăn "miếng bánh", hoặc đối đầu (trường hợp mà ông Tập cho rằng sẽ là "thảm họa" và bản thân Mỹ không mong muốn).
 
Rõ ràng Mỹ đang bị đẩy vào thế khó, vừa phải duy trì được hòa bình, ổn định khu vực vừa phải thể hiện được vai trò nước lớn sẵn sàng bảo vệ các đồng minh bị Trung Quốc bắt nạt. Mỹ phải làm sao có thể kiềm chế Trung Quốc lại không đẩy căng thẳng leo thang thành xung đột quân sự.
 
Các chuyên gia nhận định, phản ứng yếu ớt của Mỹ đang khiến cho Trung Quốc được dịp lấn tới và hung hãn chiếm lấy nhiều lãnh hải hơn. Điều đó cũng chỉ làm cho uy tín của Mỹ bị tổn hại nhiều hơn mà thôi. Vậy nên, nếu Mỹ đang tính nước thay đổi chiến thuật thì cũng cần cân nhắc bởi họ đang khiến giới chuyên gia hoài nghi khả năng kiềm chế Trung Quốc chỉ bằng mấy chiếc máy bay do thám.
 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo