Quốc tế

Mỹ có thể bị Triều Tiên tấn công bằng tàu ngầm hạt nhân?

Các chuyên gia nhận định việc Triều Tiên được cho là đang phát triển tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo là thách thức lớn cho Mỹ và đồng minh để phòng vệ trước kịch bản Bình Nhưỡng có thể phát động tấn công vào các lực lượng này.

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không có dấu hiệu giảm nhiệt, Mỹ cùng lực lượng đồng minh luôn trong tâm thế sẵn sàng để phòng vệ trong trường hợp Bình Nhưỡng tấn công. Điều này thường được hiểu là Mỹ sẽ chuẩn bị cho việc Triều Tiên khai hỏa tên lửa đạn đạo bắn lên trên không, đi vào không gian, hồi quyển và lao thẳng lới mục tiêu. Trong suốt năm 2017, Triều Tiên đã thử hàng loạt các tên lửa đạn đạo liên lục địa và họ tuyên bố một vài vũ khí trong số đó có thể tấn công tới lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên, một vài chuyên gia về Triều Tiên nhận định mối đe dọa từ tên lửa Bình Nhưỡng có thể còn đến từ vũ khí dưới nước. Ảnh vệ tinh do thám gần đây cho thấy các công nhân Triều Tiên dường như đang khẩn trương lắp ráp các bộ phận của một vật nghi là tàu ngầm tác chiến mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này. Trước đó, Bình Nhưỡng được cho là có sở hữu một tàu ngầm thử nghiệm có khả năng phóng tên lửa hạt nhân, nhưng có rất ít thông tin về vũ khí này.

Một tàu ngầm Triều Tiên. (Ảnh: KCNA).

Nếu Triều Tiên đang phát triển tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo, đây sẽ là thách thức không hề nhỏ với hệ thống phòng thủ của Mỹ khi các hệ thống này sẽ phải giám sát và theo dõi thêm các mối đe dọa khác. Theo Newsweek, các hệ thống phòng thủ của Mỹ hiện tại phần nhiều hoạt động theo cơ chế dùng tên lửa đánh chặn tên lửa và các thử nghiệm cho thấy các hệ thống này dường như không thể bắn hạ được mọi tên lửa bay tới.

Thêm vào đó, những vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm được coi là những đòn tấn công gây sát thương cao và khó đánh chặn nhất. Theo thông tin tình báo Mỹ và Hàn Quốc cung cấp, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được cho là do Triều Tiên phát triển trong năm qua dường như dài hơn và mạnh mẽ hơn bất cứ tên lửa nào trước đó. Tên lửa càng dài thì càng có khả năng mang nhiều nhiên liệu hơn và sẽ khó xác định hơn do nó cần ít thiết bị hỗ trợ để tiếp nhiên liệu giữa chừng.

Vài ngày sau khi tổ chức nghiên cứu Triều Tiên 38 North (Mỹ) tung hình ảnh chụp vệ tinh về vật nghi là tàu ngầm Triều Tiên, Mỹ cùng Nhật Bản và Hàn Quốc đã điều các tàu khu trục tiến hành tập trận giả lập với mục tiêu dò tìm các vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm.

Một vài chuyên gia cho biết tàu ngầm Triều Tiên sẽ khó lòng rời khỏi quốc gia này mà không bị phát hiện và điều này có thể giúp Mỹ và đồng minh có thể ngăn chặn và đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, tàu ngầm Triều Tiên cũng có thể khá linh hoạt và có thể tránh được hệ thống phòng thủ mà Hàn Quốc và Nhật Bản đang sử dụng.

Các chuyên gia nhận định Triều Tiên dường như sẽ tiếp tục phát triển tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo trong năm 2018. Nếu vào biên chế quân đội Bình Nhưỡng, tàu ngầm này được cho là sẽ không di chuyển quá xa khỏi đường bờ biển Triều Tiên. Nhưng động thái này vẫn có thể làm tình hình khu vực thêm phần phức tạp.

 

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo