Quốc tế

Mỹ đau đầu vì chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria

(DNVN) - Các chiến xa và bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ đã bắt đầu tiến vào nước láng giềng Syria, với mục tiêu tiêu diệt khủng bố.

Trên chiến trường quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vào hai địch thủ đó là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS)và các lực lượng người Kurd tại Syria.

Chính việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm diệt đối tượng thứ hai này đang làm cho Washington nhức đầu vì trong số đó có lực lượng người Kurd được Mỹ trợ giúp để chống lại IS.

Thổ Nhĩ Kỳ không hề che giấu mục tiêu của mình là tiêu diệt các nhóm du kích người Kurd tại Syria, bị Ankara liệt vào diện khủng bố.

Ngày 29/8, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nói rõ trong một thông cáo rằng chiến dịch "Lá Chắn Euphrate" sẽ tiếp diễn cho đến khi không còn mối đe dọa của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Đảng Lao Động Kurd PKK và lực lượng chiến binh người Kurd.

Vấn đề đặt ra là lực lượng người Kurd tại Syria trong thời gian gần đây lại được Washington hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại IS ở Syria và Iraq. Các chiến binh Kurd gần đây đã giành được nhiều thành công trong việc lấy lại những khu vực bị rơi vào tay IS.

Trước sự kiện những người đồng minh chống IS của mình lại bị một đồng minh khác tấn công, Hoa Kỳ không tránh khỏi lúng túng vì bị bất ngờ và đã phải lên tiếng phản ứng.

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (P) trao đổi tại dinh tổng thống ở Ankara ngày 24/8.

Ngày 29/8, đặc sứ của Tổng thống Mỹ bên cạnh Liên minh quốc tế chống thánh chiến, Brett McGurk, đã tỏ ý rất tức giận trước việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào người Kurd, xem đấy là điều không thể chấp nhận được và kêu gọi các bên ngưng chạm súng.

Tuyên bố của ông McGurk lại có phần mâu thuẫn với một phát biểu của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Ghé Ankara vào tuần trước, ông Biden đã nói rất rõ ràng là lực lượng Kurd phải băng qua trở lại sông Euphrate về phía đông nếu không thì sẽ mất hậu thuẫn của Mỹ, một tuyên bố có phần đi theo đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Matt Bryza, một cựu thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ thời tổng thống George W. Bush, những dấu hiệu trái ngược nhau này của Mỹ có nguy cơ làm mất đi cơ hội tranh thủ quyết tâm mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tấn công tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Đối với ông Matt Bryza, Washington không nên làm cho Ankara phật ý khi ủng hộ lực lượng Kurd vì Mỹ đã phải mất hai năm mới yêu cầu được Thổ Nhĩ Kỳ có một thái độ cứng rắn hơn đối với IS.

Ngược lại đảm bảo là các đơn vị người Kurd trở lại phía đông sông Euphrate, như một viên chức Mỹ đã nêu lên, là một chiến lược tốt mà Washington nên theo.

 

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, chính thái độ chần chừ của Ankara trước đây trong cuộc chiến chống IS đã thúc đẩy Mỹ phải tìm đến trợ thủ khác là lực lượng Kurd.

Ông John Hannah, một cựu cố vấn của cựu phó tổng thống Dick Cheney ghi nhận: "Lực lượng người Kurd không phải là chọn lựa đầu tiên của Mỹ để trở thành đồng minh trong cuộc chiến chống IS trên thực địa, mà đó là vì không còn ai khác".

Ông John Hannah cũng cảnh báo: "Nếu xảy ra một cuộc đối đầu to lớn giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hay lực lượng mà họ hỗ trợ, với chiến binh Kurd, mà không thấy dấu hiệu gì là Thổ Nhĩ Kỳ dấn thân mạnh hơn vào cuộc chiến chống IS, thì chắc chắn sẽ có căng thẳng thật sự giữa Washington và Ankara".

Trước mắt, quan hệ giữa Ankara và Washington vốn đã căng thẳng do vụ đảo chánh hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã lại căng thẳng thêm lên với chiến dịch đánh vào người Kurd ở Syria.

Đây sẽ là hai hồ sơ nóng bỏng nhân cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Erdogan tại Trung Quốc bên lề Hội Nghị G20 tại Trung Quốc vào đầu tháng 9 sắp tới.

 

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo