Quốc tế

Mỹ lại là đầu tàu kinh tế thế giới

Có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục, tăng trưởng mạnh trong khi đó sự phát triển của kinh tế Trung Quốc chậm dần hơn và vì thế Mỹ là động cơ phát triển của kinh tế toàn cầu.

Nước Mỹ một lần nữa lại nổi lên như động cơ phát triển của kinh tế toàn cầu trong một thời điểm đặc biệt: Châu Âu suy thoái và Trung Quốc giảm sút.

 

Gần như hồi phục hoàn toàn

 

Tuần qua, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben S. Bernanke khẳng định còn quá sớm để tuyên bố một chiến thắng cho nền kinh tế Mỹ và nước Mỹ chưa khẳng định thời điểm nào là lúc Mỹ tự tin nói rằng đã trên đường hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học cho rằng người tiêu dùng Mỹ đã quay trở lại gần hết với thói quen mua sắm trước đây.

 

Trưởng chuyên gia kinh tế Bluford Putnam của Chicago Mercantile Exchange, nguyên là quan chức của Cục Dự trữ liên bang dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2012 sẽ đạt tới 4% và FED không cần mua trái phiếu sau khi đã tung ra hai đợt nới lỏng tiền tệ tổng trị giá 2,3 ngàn tỉ USD. Theo ông Mỹ đang ở trong tình hình kinh tế tốt năm 2012 dù không phải có động cơ tăng trưởng mạnh nhưng ở vị trí tích cực với tăng trưởng toàn cầu. Cùng lúc đó, Trung Quốc đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2012 từ 8% xuống còn 7,5% (năm 2011 là 9,2%) và đang chiến đấu chống lại lạm phát để hạ nhiệt nền kinh tế quá nóng.

 

Khả năng tiêu dùng tăng

 

Khả năng chi tiêu của người dân Mỹ đã được tăng cường mạnh vì nhiều lý do, trong đó có việc các hộ tiêu dùng thuận lợi trong việc vay mượn với hạn mức tín dụng tăng, các ngân hàng ít khó khăn trong thủ tục. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của người tiêu dùng là 17,8 tỉ USD lên đến 2,51 ngàn tỉ USD, đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Năm 2011, các hộ gia đình Mỹ tiêu 10,7 ngàn tỉ USD, chiếm khoảng 70% GDP Mỹ và cao hơn tổng giá trị GDP của Trung Quốc là 7 ngàn tỉ USD.

 

Sự trở lại của người tiêu dùng Mỹ cực kỳ quan trọng với cả Châu Âu và Châu Á vì các Cty ở hai châu lục này sẽ có điều kiện phát triển để xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Người Mỹ đã chi tiêu mạnh mẽ hơn vì họ đã điều chỉnh để cân bằng tài khoản, nhờ sự trợ giúp của FED với tỉ lệ lãi suất thấp mức kỷ lục (0 - 0,25% đối với hoạt động cho vay thương mại qua đêm) và còn có thể duy trì đến cuối 2014.

 

Ngày càng có nhiều người Mỹ cho biết cá nhân họ đang khấm khá hơn kể từ khi ông Obama nhậm chức tổng thống tháng 1/2009. Và đây cũng là tín hiệu lạc quan đối với tổng thống Obama trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11 tới. Thị trường lao động cũng có nhiều tăng trưởng với tỉ lệ thất nghiệp được duy trì tại mức thấp trong năm thứ ba là 8,3%. 

 

Những con số biết nói

 

 

Nước Mỹ một lần nữa lại nổi lên như động cơ phát triển của kinh tế toàn cầu trong một thời điểm đặc biệt.

Hãng xe hơi sang trọng Daimler AG vào tháng 2/2012 cho biết kinh tế Mỹ chắc chắn đã bước sang thời kỳ khả quan vì doanh số xe ôtô Mercedes-Benz tại Mỹ trong tháng qua tăng 17% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, các đại lý xe Mercedes-Benz tại Trung Quốc phải đưa ra mức giảm giá kỷ lục là 25% để lôi kéo khách hàng tới phòng trưng bày. Còn hãng ôtô Honda cho biết doanh số tháng 1 tại Mỹ đã đạt mức tăng trưởng lớn nhất trong 5 năm qua với hai dòng sản phẩm là Accord và Civic.

 

Chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo Hennes&Mauritz AB, lớn thứ nhì Châu Âu đang phát triển nhanh tại Mỹ bằng việc liên tục mở khu bán hàng mới và vẫn đang nhìn thấy những cơ hội tiềm năng trong kinh doanh quần áo trên mạng tại Mỹ. Điều đó cho thấy sức mua của người Mỹ đã mạnh lên với tăng hàng năm là 2,1%. Cán cân kim ngạch nhập khẩu của Mỹ trong tháng 1 là thâm hụt 52,6 tỉ USD, ở mức cao nhất tính từ năm 2008. Theo Quỹ Tiền tệ thế giới, nền kinh tế tiêu dùng của Mỹ lớn nhất thế giới do đó khi việc chi tiêu của người dân Mỹ phục hồi thì kinh tế Mỹ sẽ lại dẫn dắt thế giới.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những cạm bẫy khó khăn như căng thẳng gia tăng tại Trung Đông về chương trình hạt nhân của Iran có thể đưa giá dầu cao hơn, làm suy yếu khả năng chi tiêu của Mỹ. Vào cuối năm nay, Mỹ cũng có thể đối mặt với vướng mắc về ngân sách khi khoản tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 450 tỉ USD bị phản đối trừ khi nhận được sự ủng hộ của Quốc hội. Mặc dù vậy, nước Mỹ đang dần giành lại vị trí động cơ phát triển của thế giới, vốn đã thuộc về Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi. Hiện nay, Mỹ đã khẳng định lại vai trò truyền thống và sự tăng trưởng kinh tế của thế giới lúc này hoàn toàn có đóng góp lớn của Mỹ.

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo