Quốc tế

Mỹ lập căn cứ quân sự ở Syria, tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?

Theo đánh giá của tướng về hưu Thổ Nhĩ Kỳ, việc Mỹ triển khai căn cứ quân sự ở Syria là nhằm hỗ trợ người Kurd và bám trụ lại nước này.

Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Armagan Kuloglu, Thiếu tướng về hưu Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, việc Mỹ triển khai căn cứ quân sự ở Syria là nhằm hỗ trợ người Kurd và bám trụ lại nước này.

 Trước đó, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/7 đã công bố dữ liệu về vị trí các căn cứ quân sự Mỹ ở Syria, theo tin tức trên báo Tiền Phong.

Theo cơ quan này, hai căn cứ không quân gần Rmeilan và tỉnh Al-Hasaka hoạt động từ năm 2015. Vào tháng 3/2016, Mỹ mở tiếp một căn cứ mới gần Harab Isk, thuộc thành phố Ain-al-Arab để triển khai các máy bay trực thăng.

Ngoài ra, hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề cập tới ba căn cứ tại tỉnh El-Hasaka. Những căn cứ trên được Mỹ sử dụng vào cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo hãng tin Anadolu, Mỹ cũng bố trí hai cứ điểm tại Manbij để chiến đấu với lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA).

Đáng chú ý, trong ba căn cứ ở phía bắc tỉnh Raqqa, thì hai trong số đó còn có sự hiện diện của quân đội Pháp. Hãng tin nhấn mạnh, vị trí triển khai của quân đội Mỹ thường được đánh dấu như "vùng kín" và tuyệt mật.

Đặc nhiệm Mỹ tại Syria.

Anadolu cũng thông báo, ngoài các điểm tựa quân sự trực tiếp, Mỹ còn bố trí binh sĩ ở những nơi cực kỳ khó phát hiện: trong khu dân cư, các trại của "Liên minh Dân chủ (người Kurd)", trong các nhà máy có thể nhanh chóng biến thành vị trí tác chiến.

Bình luận về việc này, ông Armagan Kuloglu Thiếu tướng về hưu Thổ Nhĩ Kỳ nhận định rằng, nếu nhìn từ góc độ nhất định, sẽ thấy cuộc chiến ở Syria đã vượt ra ngoài khuôn khổ chống IS, không còn thuần túy chỉ là đấu tranh chống mối đe dọa khủng bố, theo Sputnik.

"Mục đích ở đây thực ra nhiều hơn là chỉ đập tan IS, tất cả đang dẫn đến chỗ sau đó sẽ định danh vai trò chính trong việc tái cấu trúc Syria, cụ thể là trong việc thành lập một Nhà nước của người Kurd ở miền bắc Syria", ông Kuloglu lý giải.

Đề cập đến thực tế là trong cuộc chiến chống IS, Mỹ đang hợp tác với đảng Liên minh Dân chủ Kurd, còn Ankara xem đảng này là một tổ chức khủng bố, một trong những nguy cơ đe dọa chính với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Kuloglu tuyên bố:

"Đó là mối đe dọa với Thổ Nhĩ Kỳ từ phía cấu trúc đang hình thành ở miền bắc Syria theo kết quả của cuộc chiến chống Daesh. Mà Mỹ đang tác động vào đó, bằng cách hỗ trợ đảng Liên minh Dân chủ Kurd củng cố vị thế tại khu vực này. Sau khi tiến hành chiến dịch giải phóng Raqqa, đảng Liên minh Dân chủ Kurd đòi hỏi cấp kinh phí cho họ, và món đền bù ấy sẽ là cho người Kurd lập ra Nhà nước riêng, như vậy đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với Thổ Nhĩ Kỳ".

 

Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất hợp tác với Mỹ chống IS trong chiến dịch giải phóng Raqqa, nhưng phía Mỹ đã từ chối mà dành vị trí đó cho đảng Liên minh Dân chủ Kurd. Khi trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Kuloglu cũng nhắc tới chi tiết này và nói:

"Mỹ dành hỗ trợ  cho đảng Liên minh Dân chủ Kurd dưới hình thức cung cấp vũ khí và đạn dược, ngoài ra họ còn lập căn cứ quân sự ở miền bắc Syria và bằng động thái đó tăng cường hơn nữa vị thế của người Kurd".

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo Sputnik, Tiền Phong)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo