Quốc tế

Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc lập “Tam Sa”

Cả Bộ Ngoại giao Mỹ cùng một nghị sĩ cao cấp của Mỹ đều lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về hành động đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông.

Khi được hỏi về việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: “Chúng tôi vẫn lo ngại nếu có những hành động đơn phương kiểu này để xét đoán một vấn đề mà chúng tôi nhiều lần nhắc lại rằng chỉ có thể giải quyết bằng đàm phán, đối thoại và bằng tiến trình ngoại giao hợp tác giữa các nước tuyên bố chủ quyền”.

 

Bà cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công du Châu Á gần đây “thường bày tỏ quan ngại trước mọi tình trạng ép buộc về kinh tế hay quân sự” liên quan tới những tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á thông qua những tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.

 

Tương tự, phát biểu hôm 24/7, Thượng nghị sĩ John McCain của Đảng Cộng hòa đã phê phán hành động cho quân đồn trú ở “Tam Sa” của Trung Quốc là “khiêu khích một cách không cần thiết”.

 

Ông cho rằng các động thái khác của Trung Quốc bao gồm chỉ định một hội đồng lập pháp của “Tam Sa” “chỉ tạo thêm lý do khiến nhiều nước Châu Á ngày càng quan ngại về những đòi hỏi chủ quyền mang tính bành trướng của Trung Quốc vốn không có cơ sở gì theo luật pháp quốc tế cũng như về khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách áp đặt đòi hỏi chủ quyền bằng con đường ức hiếp và cưỡng bức”.

 

Do đó - theo ông McCain - các hành động vừa qua của Trung Quốc với “Tam Sa” là “đáng thất vọng và không xứng với một cường quốc có trách nhiệm”.

 

“Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi tất cả các bên có yêu sách chủ quyền trên biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế” - ông nói.

 

Trong nhiều phát biểu trước đây, Thượng nghị sĩ McCain đã tỏ ra lo ngại với những hành động của Trung Quốc trên biển Đông. Ông cho rằng, Mỹ nên tăng cường ủng hộ chính trị và quân sự cho các nước Đông Nam Á trong vấn đề này.



Trong khi đó, hôm 24/7, Trung Quốc chính thức tổ chức lễ thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 

Bất chấp việc vi phạm chủ quyền Việt Nam, giờ đây Trung Quốc đã xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm, gồm sân bay quân sự, cảng biển, đường sá, bệnh viện, bưu điện và đài quan sát. Trung Quốc cũng dự định phát triển 3 trụ cột kinh tế của “Tam Sa” là du lịch, đánh cá và khai thác dầu khí.

 

Luo Baoyou - Phó Bí thư tỉnh Hải Nam - không giấu được ý đồ của Trung Quốc khi phát biểu rằng, Trung Quốc sẽ biến “Tam Sa” thành “căn cứ quan trọng để bảo vệ chủ quyền và phát triển nguồn tài nguyên biển” trên biển Đông.  



Quân đội Philippines tuyên bố sẽ theo dõi kế hoạch thành lập đơn vị đồn trú của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa ở biển Đông.

 

Người phát ngôn quân đội Philippines - đại tá Arnulfo M.Burgos Jr - cho biết, quân đội cũng sẽ phối hợp với nhiều cơ quan khác trong chính quyền Philippines liên quan tới vấn đề này, đồng thời khẳng định quân đội Philippines sẽ không từ bỏ cam kết duy trì tính toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

 

Ông Burgos cho biết thêm, hôm 23/7, máy bay trinh sát của Philippines phát hiện 1 tàu ngư chính và 2 tàu hải giám Trung Quốc ở ngoài khơi bãi đá ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), song không xác định được liệu các tàu này có hộ tống tàu cá Trung Quốc hay không.



Trong khi đó, Hãng thông tấn Bernama của Malaysia cho biết, tàu huấn luyện Sudarshini INS của Hải quân Ấn Độ sẽ thực hiện hành trình kéo dài 192 ngày tới các nước Đông Nam Á trong tháng 9/2012, nhằm thúc đẩy quan hệ với các quốc gia trong khu vực.

 

Sudarshini INS sẽ đến thăm 13 cảng tại 9 quốc gia ASEAN, trong đó có Đà Nẵng của Việt Nam. Ấn Độ ngày càng tìm kiếm vai trò lớn hơn ở biển Đông và cũng nhiều lần bày tỏ không ủng hộ thái độ hung hăng của Trung Quốc.

 

 

Theo Lao Động

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo