Quốc tế

Mỹ nới lỏng trừng phạt Myanmar

Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bắt đầu một chương mới trong lịch sử quan hệ với Myanmar, đánh dấu bằng việc dỡ bỏ lệnh cấm đầu tư và cử đại sứ Mỹ đầu tiên tới Myanmar trong 22 năm qua.

Các thượng nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều hoan nghênh động thái mới của chính phủ, cho rằng một số cải cách dân chủ của Myanmar đáng được tưởng thưởng.

 

Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, vẫn còn quá sớm để thưởng cho một chính phủ được lãnh đạo bởi quân đội và vẫn giam cầm hàng trăm tù chính trị.

 

Cho phép đầu tư

 

Sự kiện chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi mới đây thắng lớn trong cuộc bầu cử bổ sung tranh 45 ghế ở Quốc hội Myanmar đã thúc giục các chính phủ phương Tây nhẹ tay sau nhiều năm cô lập ngoại giao, trừng phạt kinh tế nước này.

 

Sau khi gặp Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin tại Mỹ hôm 18/5 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, Mỹ tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dịch vụ tài chính và đầu tư của Mỹ đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế Myanmar, trong đó có dầu khí, khai khoáng…

 

Bà Clinton gọi đây là hành động có ý nghĩa nhất của Washington từ trước tới nay nhằm thưởng cho những cải cách của Myanmar.

 

“Ngày hôm nay chúng tôi nói với các doanh nghiệp Mỹ rằng, hãy đầu tư vào Myanmar và thực hiện một cách có trách nhiệm”, bà Clinton nói tại buổi họp báo sau khi hội đàm với Ngoại trưởng Myanmar tại Washington.

 

Tuy nhiên, các công ty Mỹ vẫn bị cấm hợp tác với những doanh nghiệp thân thiết với chính quyền quân sự Myanmar. Mỹ vẫn giữ nguyên các hình phạt thương mại và phản đối việc các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới cho Myanmar vay tiền.

 

Lệnh cấm đầu tư của Mỹ được áp dụng từ năm 1997. Các doanh nghiệp Mỹ lâu nay vẫn đòi chính phủ theo gương Liên minh châu Âu - gần đây tạm dỡ bỏ tất cả trừng phạt kinh tế, bao gồm cả thương mại, dù vẫn giữ lệnh cấm vận vũ khí.

 

Nhà Trắng thông báo vẫn duy trì khuôn khổ trừng phạt nghiêm khắc, vì những cải cách dân chủ của Myanmar mới chỉ bắt đầu. Bà Clinton gọi đây là “chính sách bảo hiểm”.

 

“Mỹ vẫn quan ngại về hệ thống chính trị đóng của Myanmar, sự đối xử của họ đối với các nhóm thiểu số, việc giam giữ tù chính trị, cũng như quan hệ với CHDCND Triều Tiên”, ông Obama viết trong một thông báo.

 

Những nghị sĩ Mỹ nổi tiếng hoan nghênh cải cách của Myanmar, ủng hộ thông báo của chính phủ và nhấn mạnh rằng chính sách đối với Myanmar là một điều mà hai đảng có thể đồng quan điểm.

 

Ông John McCain và ông Mitch McConnel nói rằng các biện pháp đó tạo ra “sự cân bằng tương xứng” giữa việc khuyến khích cải tổ và duy trì đòn bẩy để thúc giục Myanmar đạt thêm tiến bộ. Ông Jim Webb thuộc đảng Dân chủ thúc giục chính phủ Mỹ tiến xa hơn nữa và dỡ bỏ trừng phạt kinh tế.

 

Nâng cấp ngoại giao

 

Các thượng nghị sĩ Mỹ hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Derek Mitchell, phái viên đặc biệt của Mỹ đang ở Myanmar, làm đại sứ đầu tiên của Mỹ ở Myanmar kể từ năm 1990.Myanmar sẽ cử đại sứ đến Washington. Vị trí này sẽ do đại diện thường trực của Myanmar tại Liên Hợp Quốc, ông Than Swe, đảm nhiệm.

 

Tuy nhiên, nhiều nhóm nhân quyền và nhà hoạt động ly hương của Myanmar cực lực phản đối Mỹ nới lỏng kiểm soát kinh tế đối với nước này.

 

Liên minh Mỹ vì Myanmar nói rằng chính quyền Obama thưởng cho Myanmar quá sớm, trong khi quân đội nước này đang gia tăng bạo lực chống người dân tộc thiểu số Kachin ở miền bắc. Xung đột kéo dài cả năm qua khiến hàng nghìn dân làng phải rời đi chỗ khác.

 

Bà Clinton lên tiếng thể hiện quan ngại đối với tình trạng tiếp diễn bắt giữ tù chính trị. Các chính phủ phương Tây nói rằng, hàng trăm người vẫn bị giam cầm, dù Tổng thống Myanmar ban hành nhiều lệnh ân xá trong năm qua.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar nói rằng, một số người được coi là tù chính trị đã phạm các tội hình sự như giết người, hiếp dâm hoặc liên quan khủng bố. Ông nói Tổng thống Thein Sein sẽ ban hành thêm lệnh ân xá vào thời điểm phù hợp.

 

 

Theo Tiền Phong

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo