Mỹ phung phí F-22 tại Syria và Iraq
Thực tế, trong 4 năm qua, các chiến đấu cơ tối tân F-22, được mệnh danh là “Chim ăn thịt” đã không thực hiện một sứ mệnh nào. Điều này khiến những người chỉ trích cho rằng, đây là loại máy bay được chính phủ Mỹ chế tạo từ hơn 80 tỷ USD tiền thuế của người dân để đối phó với một kẻ thù… không hề tồn tại.
Tuy nhiên, hiện tại, đã hơn 1 thập kỷ kể từ sau khi những máy bay chiến đấu đầu tiên đi vào vận hành, tiêm kích tàng hình thế hệ mới này vẫn… tiếp tục tìm kiếm kẻ thù vô hình đó và trong thời gian chờ đợi, nó đảm nhận nhiệm vụ ném bom tiêu diệt phiến quân ở Syria và Iraq.
Máy bay phức tạp và đắt đỏ nhất mà Mỹ từng chế tạo đã tham gia các chiến dịch mới nhất của Không quân nước này tại Iraq và Syria - điều đã từng xảy ra trong các chiến dịch trước đó tại Iraq, Afghanistan và Libya.
Kể từ khi tham gia chiến dịch lần đầu vào tháng 9/2014, “Chim ăn thịt” đã thực hiện đều đặn 150 đợt không kích và thả tới hơn 2.000 quả bom vào phiến quân IS.
“Chúng tôi thường được giao nhiệm vụ tấn công trại huấn luyện, cơ sở lưu trữ thiết bị nổ, các kho vũ khí, sở chỉ huy và các phương tiện chở dầu lậu của IS”, đại úy Joseph Simms của Không quân Mỹ nói với đài ABC News.
Song điều bất hợp lý là ngay từ đầu, F-22 đã không được thiết kế để thực hiện những nhiệm vụ như vậy và Không quân Mỹ cũng thừa nhận không nhất thiết phải dùng thế hệ tiêm kích hiện đại này… chỉ để làm nhiệm vụ ném bom.
Theo Không quân Mỹ, dù chiến đấu cơ F-22 Raptor đã giúp loại bỏ rất nhiều mục tiêu đáng giá nhưng các cuộc không kích này được cho là không phù hợp với “chuyên gia không chiến” như F-22 Raptor . Do vậy, Không quân Mỹ cũng thừa nhận rằng, việc điều chiến đấu cơ đắt đỏ này là không cần thiết.
“F-22 Raptor không thực sự cần thiết trong chiến dịch này. Tuy nhiên, dù sao đây cũng là loại vũ khí tuyệt vời trong cuộc chiến ở Syria bởi khả năng tấn công với độ chính xác cực cao”, người phát ngôn Không quân Mỹ, Thiếu tá Tim Smith chia sẻ.
F-22 được thiết kế và phát triển từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước nhằm răn đe các loại vũ khí tối tân của Nga và Trung Quốc. Và loại chiến đấu cơ này được cho là không phù hợp để tham gia vào các cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố được trang bị nghèo nàn nhưng vẫn tồn tại dai dẳng như al-Qaeda, Taliban và gần đây nhất là IS.
Những người ủng hộ việc chế tạo tiêm kích F-22 Raptor cho rằng, cái giá đắt đỏ của chiếc chiến đấu cơ này là hoàn toàn thích đáng trong trường hợp Mỹ bị đẩy vào một cuộc xung đột với Nga hoặc Trung Quốc - những nước đang phát triển các mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới nhằm đối chọi với F-22 Raptor.
Tuy nhiên, hiện tại, Không quân Mỹ vẫn đang sử dụng chiếc siêu tiêm kích này vào các chiến dịch không kích ở Iraq và Syria cũng như trong các chiến dịch “răn đe” của Mỹ ở các nước khác mà Mỹ tin rằng, sự hiện diện của F-22 Raptor sẽ khiến đối thủ phải run sợ.
Giữa tháng 2/2016, Mỹ đã điều 4 máy bay F-22 Raptor bay cùng các máy bay của Hàn Quốc qua bán đảo Triều Tiên. Động thái này được Không quân Mỹ tuyên bố là nhằm “thể hiện mối quan hệ đồng minh chặt chẽ” giữa Mỹ và Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo