Mỹ - Triều hết trăng mật
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 13/7 hối thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nỗ lực mạnh mẽ hơn để đạt được đột phá trong đàm phán hạt nhân.
Thực tế phũ phàng
Nhấn mạnh quyết tâm của nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên nhằm đưa đất nước mình trở thành một quốc gia bình thường, ông chủ Nhà Xanh khẳng định thêm hai lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ đối mặt sự phán xét khắc nghiệt của cộng đồng quốc tế nếu không giữ lời hứa phi hạt nhân hóa.
Những phát biểu của ông Moon được đưa ra tại buổi diễn thuyết đặc biệt do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore tổ chức. Đảo quốc sư tử cũng chính là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều hồi tháng trước, nơi hai bên nhất trí tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Có điều chi tiết về thời gian và diễn tiến của quá trình này chưa được làm rõ.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và giới chức Triều Tiên hồi tuần rồi vấp phải khởi đầu trắc trở khi Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đưa ra những yêu cầu "đơn phương và theo kiểu giang hồ". Trong nỗ lực dường như nhằm xoa dịu tình hình, Tổng thống Hàn Quốc giải thích rằng chỉ trích của Triều Tiên là một "chiến thuật" để bày tỏ sự thất vọng về sự thiếu hành động từ Mỹ đối với những bước đi thiện chí gần đây của họ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại không lạc quan như vậy. Những hình ảnh của ông Trump trong cuộc gặp lịch sử ở Singapore là cảnh tượng bề ngoài hào nhoáng, còn ông Pompeo ở Bình Nhưỡng là thực tế phũ phàng, theo nhận định của ông Daniel Russel - nhà phân tích tại Viện Chính sách Xã hội châu Á. Bình luận này được vị chuyên gia vốn từng là trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thời cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra trong bài viết với tựa đề đầy ẩn ý trên tạp chí Foreign Policy: "Tuần trăng mật ở Singapore đã qua".
Đòn mới
Trong cuộc gặp Tổng thống Trump tháng rồi, ông Kim Jong-un cũng nhất trí hồi hương hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên 6 thập kỷ trước. Tuy nhiên, đại diện Triều Tiên đã không xuất hiện tại cuộc gặp với quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và Liên Hiệp Quốc (LHQ) về vấn đề này tại khu phi quân sự ngăn cách Hàn - Triều hôm 12/7.
Cùng ngày, chính quyền ông Trump tiếp tục đẩy sự "thất vọng" của Triều Tiên lên cao khi bất ngờ "ra đòn" mới nhằm vào Bình Nhưỡng tại LHQ. Theo đài CBS News, văn phòng Đại sứ Mỹ tại LHQ đã gửi đến một ủy ban của cơ quan này những bằng chứng tố Triều Tiên "vi phạm" lệnh trừng phạt của LHQ và kêu gọi chuyển bằng chứng này tới toàn bộ 193 thành viên.
Không dừng lại ở đó, Washington còn đề nghị LHQ yêu cầu các nước trấn áp hành vi bán các sản phẩm dầu tinh chế phi pháp diễn ra trên biển cho Triều Tiên. Báo cáo cho biết ít nhất 759.793 thùng sản phẩm dầu tinh chế đã được chuyển đến Triều Tiên trong 5 tháng đầu năm nay, cao hơn mức tối đa 500.000 thùng mỗi năm theo nghị quyết trừng phạt của LHQ.
Báo cáo của Mỹ cũng đặc biệt xoáy vào một số nước, như Trung Quốc và Nga - vốn đã thông báo lên LHQ rằng họ tiếp tục bán các sản phẩm dầu tinh chế cho Triều Tiên. Hai nước này đã nhiều lần phản đối các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Triều Tiên và nhiều khả năng sẽ bác bỏ đòi hỏi nói trên của Mỹ - đang được ủy ban của LHQ xem xét tới ngày 20/7.
Theo nhận định của học giả Benjamin Katzeff Silberstein thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), ông Trump sẽ tìm kiếm sự trợ giúp của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tuần tới. Theo ông Silberstein, nhà lãnh đạo Mỹ có thể đề nghị ông chủ Điện Kremlin duy trì trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Giới phân tích cho rằng các lệnh trừng phạt quốc tế vẫn tồn tại là một trong những điều khó chịu nhất đối với ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, hiệu quả của nó luôn phụ thuộc vào việc thực thi tích cực đến đâu của Trung Quốc. Có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã có phần nương tay với Bình Nhưỡng thời gian gần đây. Các chuyến bay từ Trung Quốc tới Triều Tiên đã nối lại, du lịch tới Triều Tiên cũng tái khởi sắc, lao động Triều Tiên đang quay lại Trung Quốc, giá trị bất động sản dọc biên giới hai nước gia tăng… Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí đã đề xuất dỡ bỏ trừng phạt với Triều Tiên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo