Mỹ tuyên bố sẽ điều thêm tàu chiến tới biển Đông
Theo Guardian, phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter xác nhận thông tin tàu khu trục USS Lassen đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh 2 đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông. Đồng thời, ông chủ Lầu Năm Góc còn đề nghị có thêm hoạt động tại khu vực “cấm địa” này.
Ông Carter nêu rõ: “Chúng ta đang hành động dựa trên cơ sở rằng chúng ta sẽ bay, đi trên biển và hoạt động tại bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép và vào bất cứ khi nào các nhu cầu về hoạt động của chúng ta cần đến”.
Bình luận về cuộc tuần tra của Mỹ gần đảo nhân tạo ở Biển Đông, phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz ngày 27/10 tuyên bố “các hoạt động tự do hàng hải của chúng tôi không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi cụ thể nào của riêng Mỹ” và nói thêm rằng Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ đâu miễn là luật pháp quốc tế cho phép.
Sau nhiều giờ im lặng, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 28/10 cũng lên tiếng về động thái được cho là sẽ khiến Trung Quốc nổi giận này. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết một tàu tên lửa hành trình và một tàu tuần tra hải quân Trung Quốc đã bám sát tàu USS Lassen trong chuyến tuần tra nói trên và phát cảnh báo tới tàu chiến Mỹ “theo luật pháp”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cùng ngày đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus, gọi việc Mỹ tuần tra là "cực kỳ thiếu trách nhiệm", theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Cơ quan này trước đó cảnh báo Bắc Kinh sẽ kiên quyết đáp trả các "hành động khiêu khích đơn phương của bất cứ quốc gia nào".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố nếu Washington tiếp tục "tạo căng thẳng trong khu vực", Bắc Kinh có thể sẽ "tăng cường và củng cố các năng lực liên quan". Ông Lục không nêu chi tiết nhưng bình luận này cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, theo Reuters.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng pháp lý nào để chứng minh. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và bồi đắp thành các đảo nhân tạo phi pháp.
Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Chuyến tuần tra này của tàu Hải quân Mỹ, được tiến hành lần đầu tiên kể từ năm 2012, là hành động thách thức đầu tiên của Mỹ đối với việc xây dựng các đảo nhân tạo và yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới.
Các chuyên gia về an ninh cho rằng Mỹ cần phải tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra tương tự mới có thể đem lại hiệu quả, trong bối cảnh tham vọng bành trướng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo