Mỹ và đích ngắm châu Phi
Sau một tháng bận rộn với lịch trình củng cố vị thế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nam Á, hôm 15/6 (theo giờ Việt Nam) Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một chiến lược mới và toàn diện với đích ngắm là châu Phi.
Theo ông chủ của Nhà Trắng, mặc dù châu Phi đang phải vật lộn với tình trạng đói nghèo, tham nhũng cũng như các xung đột nhưng Lục địa đen hoàn toàn có thể trở thành một hình mẫu kinh tế lớn tiếp theo trên thế giới.
Sự thịnh vượng của châu Phi sẽ đóng vai trò quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế nói chung và của Mỹ nói riêng. Vì thế, Mỹ cam kết sẽ "tiên phong đối mặt với thách thức và cơ hội tại lục địa đen" bằng cách tập trung vào 4 lĩnh vực chính: tăng cường các thể chế dân chủ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư; ưu tiên đảm bảo hòa bình, an ninh; thúc đẩy phát triển.
Chiến lược hướng trọng tâm đến châu Phi công bố trong bối cảnh châu lục này đang trở thành miếng bánh được nhiều quốc gia nhòm ngó do có vị trí địa lý chiến lược gồm 54 quốc gia, một thị trường tiềm năng với hơn 800 triệu dân và một "kho báu" dồi dào tài nguyên như dầu mỏ, kim loại quý...
Đặc biệt, Trung Quốc đã đổ vào châu Phi những khoản đầu tư khổng lồ và đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục này với 2.000 công ty và 40 tỷ USD. Giữa lúc nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hồi phục bền vững sau suy thoái, đầu tư vào mỏ vàng châu Phi sẽ là bài toán khôn ngoan và ít tốn kém hơn so với các thị trường lớn khác.
Ngoài ra, theo nhiều nguồn tin, quân đội Mỹ sẽ xây thêm các căn cứ không quân bí mật khắp châu Phi nhằm theo dõi mạng lưới al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác. Nhờ các căn cứ này mà máy bay dân dụng hay do thám được trang bị các bộ phận cảm biến tối tân của Mỹ có thể thoải mái bay lượn khắp vùng trời châu Phi.
Khi chiến lược này được công bố, không ít người đã ngạc nhiên khi Tổng thống Obama, con của một công dân Kenya - một quốc gia châu Phi đã mất tới hơn 3 năm sau khi nhậm chức mới đưa ra kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Lục địa đen.
Trên thực tế, ngay khi lên nắm quyền, ông Obama đã có nhiều động thái để can dự vào khu vực mà đỉnh điểm là các hoạt động quân sự tại Libya với mục đích khống chế các giếng dầu dồi dào tại đây. Không những vậy, Mỹ còn âm thầm hỗ trợ các lực lượng đối lập ở Ai Cập, Tunisa, Somali, Sudan - những quốc gia có vị thế đặc biệt quan trọng tại châu Phi.
Tháng 5/2011, Tổng thống Mỹ cũng công bố một chiến lược nhằm giúp 50 triệu người trên thế giới, chủ yếu tại châu Phi, thoát khỏi đói nghèo bằng cách liên kết các Chính phủ, các nhóm hoạt động xã hội với khu vực tư nhân.
Đặc biệt, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G8 hồi tháng trước, Tổng thống Obama đã công bố dự án trị giá 3 tỷ USD nhằm giúp xây dựng thị trường nội địa cũng như xóa đói giảm nghèo cho các nước thuộc khu vực Sừng châu Phi và Sahel.
Việc Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch hướng trọng tâm tới châu Phi là động thái hiện thực hóa chiến lược gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu của Washington, đồng thời mở ra giai đoạn đối đầu mới giữa Mỹ - Trung, hai nền kinh tế đầu tàu thế giới trên mặt trận mới là châu Phi.
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo