Năm 2013, cửa hạ lãi suất vẫn còn rộng mở
Theo đánh giá của của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia tại báo cáo "Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012", do tổng cầu của nền kinh tế hiện còn yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn.
Thực tế, trong năm 2012, mặc dù cung tiền (M2) tăng khá mạnh song lạm phát vẫn được kiểm soát khá tốt. Cụ thể, tăng trưởng M2 cả năm ước đạt khá, khoảng trên 16% so với đầu năm và cao hơn so với mức tăng 14,6% của năm 2011, chủ yếu do tăng huy động tiền gửi (tăng 16% so đầu năm).
Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, sang 2013 này, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát tổng hạn mức tín dụng và tổng phương tiện thanh toán M2 để giảm thiểu tác động của việc hạ lãi suất lên lạm phát. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng hạn mức tín dụng.
Phân tích cụ thể về những yếu tố cơ sở để hạ lãi suất vào 2013, Ủy ban Giám sát Tài chính chỉ ra rằng, nếu đặt mục tiêu lạm phát năm nay là 6% thì dư địa hạ lãi suất trong có thể được nới rộng. Hiện, mức trần lãi suất huy động đang áp dụng là 8%/năm.
Hơn nữa, nếu xét về tương quan giữa lãi suất tiền gửi tại Việt Nam so với các nước trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ khoảng 0,5-0,75%/năm thì việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ vẫn đảm bảo được chênh lệch lãi suất mà không gây ra áp lực tỷ giá trong 2013.
Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát Tài chính cũng đánh giá, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ít khả năng về việc hạ lãi suất sẽ gây ra tình trạng rút tiền tại ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Vì vậy, cơ quan này khẳng định, tốc độ tăng tiền gửi và thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ được đảm bảo.
Nợ xấu chậm được xử lý
Riêng nhìn nhận về điều hành của 2012, Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, trong năm vừa rồi, thị trường tiền tệ ngân hàng hoạt động khá ổn định.
Theo đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá tốt, biểu hiện qua lãi suất của thị trường liên ngân hàng liên tục giảm trong những tháng cuối năm. Lãi suất qua đêm thời điểm thấp nhất chỉ khoảng 2-3%.
Thanh khoản cải thiện mạnh đã tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu có một năm hoạt động rất sôi động.
Khối lượng đấu thầu trái phiếu chính phủ năm 2012 đạt trên 156.000 tỷ đồng, gần gấp 2 năm 2011.
Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ được phát hành thành công trong năm 2012 đã góp phần đảm bảo và làm tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công trong điều kiện ngân sách eo hẹp, song có thể gây nên những rủi ro ngân sách nhất định trong trung và dài hạn.
Cũng theo cơ quan này, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang chậm được giải quyết trong khi vấn đề này đang được đánh giá ở mức cao và khá nghiêm trọng.
Với nhiều nguyên nhân, việc xử lý nợ xấu chưa được giải quyết đã gây trở ngại lớn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, một khi vấn đề xử lý nợ xấu chưa được giải quyết dứt điểm thì những chính sách tiền tệ như hạ lãi suất huy động và cho vay sẽ đem lại hiệu quả cao.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ cần kíp của 2013 là Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu gắn liền tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong thời gian sớm nhất nhằm khắc phục điểm nghẽn, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Đồng thời, điều này cũng sẽ giúp ổn định thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng, và tư đó sẽ khôi phục được và thúc đẩy sự phát triển của thị trường liên ngân hàng.
Đoàn Huế (Theo Dân trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động