Năm 2015, chưa bố trí được nguồn tiền cho tăng lương
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 có thể vượt 9% dự toán nhờ nền kinh tế có xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, mức vượt này sẽ dùng để bù kinh phí thực hiện an sinh xã hội, trả nợ… Khoản vượt chi này đã có "địa chỉ” từ trước nên ngân sách chưa thể bố trí được nguồn tiền dành cho việc tăng lương năm 2015.
Nhiều khoản thu khởi sắc
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Tổng thu NSNN lũy kế 9 tháng năm nay đạt 636.000 tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013. “Nhờ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 9 tháng năm 2014 đạt kết quả khả quan nên mức thu cả năm dự kiến sẽ vượt 9% so với dự toán”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.
Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng năm nay, thu nội địa đạt 427.890 tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013. “Khoản thu nội địa tăng trong quý 3 cho thấy “sức khỏe” nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà phục hồi rõ nét. Nhờ đó, thu NSNN cũng đạt kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay tăng hơn so năm ngoái. Bộ Kế hoạch-Đầu tư dự báo năm nay có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Bên cạnh thu nội địa thì nhiều lĩnh vực khác cũng đạt kết quả khả quan. Cụ thể, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 125.100 tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013. Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, thu NSNN 9 tháng đầu năm đạt khá so với 2 năm gần đây. Để đạt kết quả này, các cơ quan thuế, hải quan đã tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu NSNN; tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp, ngành hàng có rủi ro cao về thuế.
Chưa bố trí được nguồn tăng lương
Như vậy, sau 2 năm "trầy trật” với nỗi lo thu không đủ bù chi, năm nay tình hình thu NSNN có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, do ngân sách những năm gần đây khó khăn nên chưa bố trí đủ vốn cho an sinh xã hội.
Nếu như 9 tháng năm 2014, tổng thu NSNN đạt hơn 636 nghìn tỷ đồng thì tổng chi thường xuyên và trả nợ lên đến gần 640 nghìn tỷ đồng. Mặc dù thu NSNN khả quan nhưng từ đầu năm tới nay, áp lực chi NSNN vẫn ngày càng lớn. Chi NSNN 9 tháng ước là 768.000 tỷ đồng, bằng 76,3% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, chi đầu tư phát triển trong 9 tháng là 128 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2013; chi trả nợ và viện trợ trong 9 tháng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính trong 9 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, có ít nhất 3 khoản chi đang trông chờ từ phần vượt thu ngân sách 9% này. Thứ nhất: Một phần vượt thu sẽ được dành bù giảm thu cân đối cho ngân sách địa phương đã bị "hụt” bởi nguyên nhân khách quan, do giảm thuế giá trị gia tăng đối với nông lâm thủy sản về 0%; phần chi thứ hai sẽ được dùng để chi cho chính sách an sinh xã hội đã được dự kiến từ lâu song chưa triển khai được do không có tiền và phần chi thứ ba được lãnh đạo Bộ Tài chính đề cập tới là để dành trả nợ. Ngoài ra, còn một phần nữa xử lý nợ hoàn thuế giá trị gia tăng mà trước vẫn tạm ứng và còn một số nhu cầu cấp bách khác.
Bởi vậy, theo đại diện Bộ Tài chính, ngân sách chưa thể bố trí được nguồn tiền dành cho việc tăng lương năm 2015.
Chống thất thu từ chuyển giá
Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế (TCT), trong 8 tháng năm nay, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách được trên 39.000 doanh nghiệp, truy thu trên 7.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 5.278 tỷ đồng.
Trong đó, cơ quan thuế đã thanh tra 1.958 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu 1.317 tỷ đồng, giảm lỗ 4.129 tỷ đồng và giảm khấu trừ thuế 82,8 tỷ đồng.
Đại diện TCT cho hay: Hàng năm, có hàng chục trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trả lại giấy phép đầu tư và từ bỏ dự án. Có trường hợp kê khai lỗ là do vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu nên chi phí lãi vay lớn nên lỗ. Vốn vay lại thuộc công ty mẹ, công ty thành viên hỗ trợ nên số lỗ được tính vào công ty mẹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có trường hợp doanh nghiệp khai lỗ do nâng giá thiết bị đầu vào, mua thiết bị, nguyên liệu đầu vào, có giao dịch liên kết với công ty mẹ ở nước ngoài. Đây là trường hợp được xem là chuyển giá.
Lãnh đạo TCT cho biết, sẽ tập trung kiểm soát chuyển giá đối với doanh nghiệp báo lỗ nhiều năm liên tục, thậm chí số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ nay tới cuối năm, TCT sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo các cục thuế thực hiện. Trong năm tới cố gắng trong số tổng số doanh nghiệp kiểm tra sẽ tập trung 15 - 20% doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá.
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm
Cột tin quảng cáo