Năm 2015: Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%
Chiều ngày 5/2, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các đơn vị, chính quyền địa phương phải rà soát, hủy bỏ các chính sách về giảm nghèo cho phù hợp, tránh tình trạng trùng lắp, dàn trải, không phù hợp thực tế, không phát huy hiệu quả dẫn đến tỷ lệ tái nghèo còn cao.
Ba người thoát nghèo lại có một hộ tái nghèo
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020, với nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ công tác giảm nghèo trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ mức 7,8% xuống còn 5,8%. Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ mức 38,2% xuống còn 33,2%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao. Tình trạng chênh lệch giàu- nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội phản ánh: Giảm nghèo ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng ba ra lại có một vào. Tức là cứ ba người thoát nghèo thì lại có một hộ tái nghèo, hoặc phát sinh hộ nghèo mới.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bà Chuyền cho rằng, do hệ thống chính sách giảm nghèo được ban hành, điều chỉnh, bổ sung qua các năm, còn chồng chéo, trùng lắp, dàn trải, phân tán nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực giảm nghèo ở nhiều địa phương còn chưa tốt, có nơi còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số chính sách giảm nghèo chưa phù hợp, dẫn đến lãng phí. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng không bền vững, chỉ cần người dân ốm đau, bão lụt, hay trả nợ tín dụng là có khi lại trở thành hộ nghèo ngay.
Cắt giảm “cho không”
Về mục tiêu năm 2015, bà Chuyền cho hay, sẽ phấn đấu đạt giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước xuống còn mức dưới 5%. Để đạt được mục tiêu đó, Ban chỉ đạo sẽ mạnh dạn đề xuất bãi bỏ các chính sách không phù hợp, tạo sự ỷ lại. Đồng thời tập trung vào các chính sách khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, lãi suất thấp, giảm dần các chính sách hỗ trợ có tính chất “cho không”.
Góp ý vào các giải pháp trên, bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần tính toán đến sự phù hợp của chính sách đối với từng hộ gia đình và địa phương. “Nếu hộ gia đình đó nghèo, nhưng lại có sức lao động thì chúng ta phải tìm việc làm cho họ. Có việc làm lập tức họ sẽ thoát nghèo bền vững. Còn nghèo do bệnh hoạn, ốm đau thì chúng ta phải hỗ trợ chữa bệnh cho người ta, chứ không thì biết đến bao giờ họ mới thoát nghèo được”, bà Thái nói.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trong mọi hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân. Vì thế, các đơn vị, chính quyền địa phương phải coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, coi đây là một tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn trong năm 2015 phải tập trung rà soát, loại bỏ những chính sách lạc hậu và bổ sung những chính sách mới, phù hợp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp có tính chất tạo “cần câu” như: Hỗ trợ cho nhân dân trong sản xuất, trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; Giao đất, giao rừng cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng; Hỗ trợ lương thực, giống, khuyến nông, đào tạo nghề, lãi suất cho vay phát triển sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn và thu hút lao động tại chỗ gắn với hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tăng thêm dư nợ tín dụng dành cho người nghèo so với chỉ tiêu 10% hiện nay và mở rộng đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ tín dụng, đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo