Năm 2015, phấn đấu tăng trưởng GDP 6,2%
Ngày 9/10, trong buổi làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015. Đây là những nội dung trọng tâm về KT-XH trong chương trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII tới đây.
Năm 2014, đạt 13/14 chỉ tiêu KT-XH
Theo Tờ trình Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày, tình hình KT-XH trong 9 tháng 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013, ước thực hiện năm 2014 có thể đạt mức trên 5,8%. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thông tin, tuyên truyền, bình đẳng giới, tín ngưỡng,... đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 93% tổng số chỉ tiêu kế hoạch, 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Chính phủ đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành. Nền kinh tế cơ bản thực hiện đạt mục tiêu tổng quát năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao. Tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm. Việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Dịch bệnh ở người tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, năm 2014, dù điều kiện khó khăn, nhưng về cơ bản Chính phủ đã bảo đảm được yêu cầu mục tiêu chung của công tác bảo đảm an sinh xã hội như thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; cơ bản hoạch định xong nhóm chính sách về an sinh xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu liên quan đến độ bao phủ của an sinh thì cần được quan tâm nhiều hơn; vai trò chủ đạo của Nhà nước cũng cần được đánh giá đúng mức. Đại biểu Trương Thị Mai cũng đề nghị, báo cáo cần đánh giá đúng thực chất và phân tích sâu hơn về hiệu quả triển khai chính sách an sinh, xã hội; nhất là công tác đánh giá chính sách người có công.
Phải ổn định kinh tế vĩ mô
Mục tiêu đặt ra cho kinh tế -xã hội năm 2015 là phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Tờ trình Chính phủ, Chính phủ dự kiến đề xuất 20 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong năm 2015.
Theo đó, các chỉ tiêu về kinh tế cụ thể là: Phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6,2%, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%... Các chỉ tiêu xã hội: Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,7% - 2%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) 23,5 giường... Các chỉ tiêu môi trường: Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 86%; Tỷ lệ che phủ rừng 42%..
Để đạt những chỉ tiêu KT-XH này, những định hướng lớn được đặt ra là: Tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; Bảo đảm an sinh xã hội; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Thực hiện quyết liệt, bằng sức mạnh tổng hợp và các giải pháp đồng bộ, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Nỗ lực giải quyết tình hình phức tạp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)...
Góp ý cho báo cáo của Chính phủ về mục tiêu phát triển KT-XH năm 2015, theo Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng nếu không thực hiện được thì sẽ khó hoàn thành các chỉ tiêu khác.
“Để thực hiện được tốc độ tăng trưởng này thì cần chú ý 4 lĩnh vực lớn là: xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, đầu tư xây dựng và sản xuất trong nước. Trong đó, ngoài vấn đề về xuất khẩu, 3 vấn đề còn lại cần phải có các giải pháp quyết liệt để thực hiện”, ông Cường nhấn mạnh.
Tán thành với các chỉ tiêu đặt ra cho năm, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần tính toán lại chỉ tiêu về tổng đầu tư toàn xã hội vì chỉ tiêu này đưa ra giảm so với các năm (dự kiến khoảng 28% GDP). Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng chỉ tiêu này thấp.
“Chỉ tiêu này tối thiểu phải là 30%. Ngân sách của chúng ta còn chi tiêu lãng phí, còn thừa chỗ này chỗ kia, vậy phải bớt đi để tăng tổng đầu tư toàn xã hội lên”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh. Còn theo ông Nguyễn Xuân Cường, trong hoàn cảnh này thì nên tiết kiệm chi thường xuyên để huy động thêm cho đầu tư phát triển toàn xã hội.
Tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng để các mục tiêu của năm 2015 được định hướng tốt hơn, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá thực chất kết quả đổi mới cả về các mặt: Quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất lao động đối với nhóm các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa; xem lại các con số về tỷ lệ thất nghiệp, chất lượng đào tạo nghề; bao giờ tính trái phiếu Chính phủ vào trong bội chi... Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị Báo cáo cần phân tích sự tác động của vụ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đối với việc phát triển KT-XH trong nước cũng như ảnh hưởng của nó đến quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Góp ý cho báo cáo đồng thời cũng là chỉ đạo kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị, những thành quả kinh tế - xã hội năm 2014 đạt được do những cố gắng, nỗ lực, của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các doanh nghiệp và toàn dân. Vì vậy, Báo cáo của Chính phủ phải thể hiện rõ những thành tựu này, để báo cáo đồng bào và cử tri cả nước nhằm tạo động lực mới, tạo đà tăng trưởng cho năm 2015.
Theo báo Tin tức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo