Năm 2015: Xuất khẩu đồ gỗ có thể đạt 7 tỷ USD
Nhu cầu gỗ thế giới cao, cộng với việc nhiều hiệp định thương mại đã và đang chuẩn bị được ký kết, nếu tận dụng triệt để, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD. Phóng viên Báo Công Thương trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền- Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - xung quanh vấn đề này.
- Là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng trưởng khả quan trong năm 2014, năm 2015 ngành gỗ đặt mục tiêu nào cho KNXK?
Năm 2015, hàng loạt những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được đàm phán ký kết như FTA Việt Nam - EU, TPP, Hiệp định Đối tác tự nguyện với Liên minh châu Âu về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)… kỳ vọng sẽ mang lại sự tăng trưởng mạnh về KNXK cho ngành gỗ.
Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, ngành gỗ Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Đơn cử như khi FTA Việt Nam - EU và VPA/FLEGT được ký kết, các sản phẩm gỗ Việt Nam phải được chứng minh có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Trong khi đó, Việt Nam mua gỗ nguyên liệu từ nhiều quốc gia trên thế giới và không phải nước nào cũng có chứng chỉ hợp pháp. Bên cạnh đó, khi phải chọn lựa nguồn gốc, xuất xứ của gỗ, chắc chắn giá gỗ nguyên liệu sẽ tăng lên.
Thêm nữa là khi các hiệp định được ký kết, các sản phẩm gỗ của các nước tiên tiến sẽ vào và cạnh tranh quyết liệt với gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất gỗ vẫn cao, đặc biệt là phí vận tải bằng tàu thủy. Đây là rào cản rất lớn đối với nguồn đầu tư cho các DN trong tương lai. Dù khó khăn như vậy nhưng năm 2015, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu đạt 7 tỷ USD KNXK đồ gỗ.
- Để tháo gỡ những khó khăn kể trên, ngành gỗ đã đề ra những giải pháp gì, thưa ông?
Để tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định, thời gian qua, các DN gỗ đã và đang chuẩn bị kỹ càng những chứng nhận về xuất xứ nguồn gốc gỗ. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm gỗ mới mà thế giới đang có nhu cầu lớn như gỗ ghép thanh, ván nhân tạo… đang được DN đầu tư sản xuất để phục vụ cho việc xuất khẩu trong năm 2015. Đặc biệt, DN ngành gỗ cũng đang nỗ lực thay đổi công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm khó hơn, có chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ như trước đây làm bàn ghế đơn giản thì nay tập trung vào các sản phẩm bàn ghế có tính thẩm mỹ và độ tinh xảo cao hơn…
- Việt Nam vừa kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Hải quan (Nga – Belarus – Kazakhstan. Ngành gỗ sẽ tận dụng cơ hội này thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này?
Nga là một trong những thị trường mới, đầy tiềm năng của đồ gỗ. Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã có chính sách khuyến khích 3 ngành là gỗ, thủy sản và dệt may đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gỗ vào thị trường Nga còn nhiều vướng mắc về nguyên liệu, lao động, thủ tục hải quan và thuế…
Vừa qua, Việt Nam đã kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Hải quan. Đây là cơ hội tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ vào các thị trường này. Nhưng để hiệp định được hiện thực hóa thành những hướng dẫn, thông tư cụ thể phải mất khoảng 2 năm. Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ đẩy nhanh việc này nhằm tạo thuận lợi cho các DN.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2014, tổng KNXK của ngành gỗ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Những thị trường lớn nhất của gỗ Việt Nam trong năm 2014 là Mỹ (tăng trưởng 14,17%), Nhật Bản (tăng 19,47%)… Một số thị trường mới như Trung Đông, Australia, ASEAN… cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá khả quan.
Theo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo