Năm điều 'cốt tử' để các hãng hàng không châu Á tồn tại
2014 được xem là năm 'vận hạn' của ngành hàng không châu Á với nhiều vụ tai nạn khiến hơn 700 người thiệt mạng và mất tích.
Vụ việc máy bay AirAsia chở 162 người rơi xuống biển Java, Indonesia hôm 28/12 như "giọt nước tràn ly", khiến người ta không thể suy ngẫm về ngành hàng không ở khu vực này.
Tờ Jakarta Post đưa ra 5 điều 'cốt tử' về hàng không ở châu Á, nơi mà nhu cầu đi lại bằng máy bay tăng cao, dẫn đến những thách thức trong việc bảo đảm an toàn các chuyến bay.
1. Khi kinh tế các quốc gia Đông Nam Á ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao thì nhu cầu du lịch bằng máy bay ngày càng tăng. Do vậy, các hãng hàng không trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn về đào tạo và an toàn bay để theo kịp nhu cầu đó, đặc biệt là trong bối cảnh hàng loạt các tai nạn hàng không xảy ra như hiện nay.
2. Theo Brendan Sobie, một chuyên gia hàng không ở Sydney, Úc cho biết Đông Nam Á hiện có 1.600 máy bay hoạt động. Đây là khu vực duy nhất trên thế giới có nhiều đơn đặt hàng máy bay cũng như số lượng máy bay đi vào hoạt động. Điều này cho thấy ngành hàng không ở khu vực liên tục phát triển.
3. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế cho biết châu Á Thái Bình Dương chiếm khoảng 31% lưu lượng hành khách hàng không trên toàn cầu và dự kiến tăng lên đến 42% trong vòng 2 thập kỷ tới. Châu Á cũng được cho là sẽ đóng góp 1,8 tỷ hành khách hàng năm trong tổng số 2,9 tỷ trên toàn thị trường.
4. Có một nghịch lý là trong khi ngành hàng không Châu Á ngày càng phát triển thì số lượng phi công được đào tạo chất lượng là rất thiếu, ông David Greenberg, cựu giám đốc điều hành hãng hàng không Delta Airlines cho biết. David Greenberg cũng cho rằng sự thiếu hụt phi công đạt yêu cầu cũng là tình trạng chung của thế giới. Điều này dẫn đến rất nhiều hãng hàng không ở Trung Đông, châu Á đã và đang "săn" các phi công giỏi ở các thị trường Mỹ, Canada, Australia, châu Âu. Trong vòng 20 năm tới, với hàng loạt các máy bay Boeing sẽ được đưa vào khai thác ở châu Á Thái Bình Dương, khu vực này sẽ cần tới 216.000 phi công mới, trở thành một trong những khu vực cần nhiều phi công nhất trên thế giới.
5. Thực tế cho thấy Lương của phi công và các kỹ thuật viên hàng không ở Đông Nam Á có thể nói không thấp, nhưng không tăng kịp so với chi phí học tập, đào tạo ngày càng tăng cao, ngăn cản đam mê theo đuổi nghiệp hàng không của nhiều người, đặc biệt là những người khả năng tài chính không dư dả - ông Lim Chee Meng, giám đốc điều hành của Mil-Com Aerospace Group, một công ty đào tạo hàng không có trụ sở ở Singapore cho biết. Chính điều này dẫn đến sự khan hiếm nhân lực hàng không trong khi ngành hàng không ở châu Á ngày càng mở rộng và phát triển, do vậy, dẫn đến nguy cơ thiếu an toàn, rủi ro trong các chuyến bay.
Như vậy, 5 điều trên cơ bản cho thấy những điểm mạnh về tiềm năng phát triển cũng như những hạn chế của ngành hàng không châu Á, những điều mà lãnh đạo ngành này trên toàn khu vực cần thiết phải nhìn lại và có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu phát triển và đảm bảo an toàn bay trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo