Pháp luật

Năm người leo núi ở Nepal làm phiền xã hội

Bộ ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mấy ngày nay phải vất vả lo cho 5 người leo núi tự phát ở Nepal, báo chí trong nước thì cũng phải liên tục cập nhật thông tin về họ. Việt Nam phải lập cả đoàn công tác để chuẩn bị công tác cứu hộ. Ôi trời ơi, sao tôi thấy phiền quá!

Quang cảnh trại căn cứ Everest hôm 26.4 sau trận lở tuyết do ảnh hưởng của trận động đất  - Ảnh: Reuters



Năm người leo núi họ leo lên núi để làm gì? Tôi không chống lại tinh thần thể thao nhưng thật sự việc leo lên đỉnh Everest quá nguy hiểm. Hiện không có con số thống kê bao nhiêu người chết vì trò chơi thể thao này, mà người ta chỉ đếm được tổng số xác chết đang nằm dọc đường lên đỉnh núi là xấp xỉ 200. Đó là những cái chết trong điều kiện bình thường, khi không có thiên tai xảy ra như vừa rồi.

Tôi đọc trên mạng về hành trình leo lên đỉnh Everest thấy quá kinh khủng, cái chết luôn rình rập bên cạnh. Nhưng kết quả khi leo lên an toàn đến một vị trí nào đấy chỉ là “tôi đã leo lên đến vị trí X, Y, Z của đỉnh Everest”. Ngoài ra chẳng có ý nghĩa nào khác. Vì người đầu tiên leo lên đỉnh thì đã lên tới rồi.

Bạn chứng minh cái gì khi bạn qua Nepal leo lên Everest? Sức khỏe, lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn, ước mơ chinh phục đỉnh cao? Tôi nghĩ đấy là một cách chơi ngông mà thôi. Tôi nghĩ các người đó nên chứng minh nó bằng những cách khác ích lợi hơn, nếu không đem đến một chút của cải vật chất nào cho bản thân, gia đình hay xã hội thì ít nhất cũng an toàn mạng sống cho họ.

Có nhiều cái cần làm hơn là qua tận Nepal leo núi để rồi khi hữu sự thì làm phiền đến toàn xã hội. Đây cũng là lời khuyên cho các trường hợp tương tự của các bạn trẻ: chinh phục cái gì đấy thì phải có lợi ích thiết thực, cụ thể và phải an toàn.

Năm người leo núi ở Nepal, khi về Việt Nam cần lên tiếng xin lỗi mọi người về việc đi chơi của mình khiến cộng đồng phải vất vả.

Thanh niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo