Môi trường

Nam Phi: Săn trộm tê giác tăng cao kỷ lục trong năm 2014

Các nhà bảo tồn của Nam Phi và các quan chức môi trường bước vào năm 2014 với niềm lạc quan về cuộc chiến chống những kẻ săn trộm tê giác. Nhưng khi năm 2014 đang dần kép lại, Nam Phi lập hai kỷ lục mâu thuẫn nhau: những vụ săn trộm tê giác và những vụ bắt giữ những người tình nghi là săn trộm lên đến mức cao nhất từ trước tới nay.

Những con số đáng lo ngại


Theo VOA, khi năm 2013 khép lại với kỷ lục 1.004 con tê giác bị giết hại, Bộ trưởng Môi trường Edna Molewa đưa ra một cam kết nghiêm nghị đối với đất nước. "Tôi có thể bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không cho phép tê giác bị tuyệt chủng dưới sự giám sát của chúng tôi," bà nói trong một cuộc diễu hành Ngày Tê giác Thế giới tại thủ đô của Nam Phi

 

Nhưng năm 2014 cho thấy là năm xấu nhất từ trước tới giờ cho những sinh vật khổng lồ chỉ ăn cây cỏ.
 
Nhưng vào lúc năm 2014 đang khép lại, ít nhất 1.020 con tê giác đã bị giết hại ở Nam Phi, một kỷ lục mới.
 
Đây là con số tính tới ngày 20 tháng 11, và ông Albi Modise, phát ngôn viên của Bộ Môi trường, cho biết con số chính thức cuối cùng có thể còn cao hơn.

 

"Rõ ràng chúng ta đang chứng kiến con số năm nay thực sự cao hơn so với năm ngoái, về số lượng tê giác bị giết hại," ông cho biết, mặc dù không đưa ra con số cuối cùng.

 

Điều gì khiến nhiều tê giác bị tàn sát như vậy? Sừng tê giác là loại thuốc cổ truyền quý hiếm ở châu Á - mặc dù không có bằng chứng khoa học cho thấy nó có bất kỳ tác dụng gì. Sừng tê giác có thể bán với giá tới 100.000 đôla mỗi kg, cuốn hút những nhóm tội phạm có tổ chức lao vào nỗ lực săn trộm.

 

Những chiến lược gây tranh cãi

 

Nhà bảo tồn Chris Galliers, Giám đốc Dự án Tê giác cho Hội Dã sinh và Môi trường của Nam Phi, nói năm 2014 là một năm tàn bạo đối với tê giác. Ông trả lời phỏng vấn của VOA từ một khu bảo tồn ở tỉnh KwaZulu Natal của Nam Phi.

 

Một con tê giác cái bị những kẻ săn trộm dùng cưa lấy cắp sừng, Natal, Nam Phi, 9/11/2010. (Ảnh: Brent Stirton/WWF)
 

"Đó là một năm rất khó khăn, và chúng tôi rõ ràng là rất lo ngại," ông nói. "Không phải là do thiếu nỗ lực của rất nhiều người làm công tác trên thực địa. Chúng tôi phải nói rằng họ làm việc cực kỳ chăm chỉ để đối phó với tình hình. Nếu không nhờ những nỗ lực đó thì tình hình sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đang chứng kiến bây giờ. "

 

Ông Galliers ca ngợi việc gia tăng những vụ bắt giữ, nhưng lưu ý rằng đó chưa phải là hết chuyện: ông nói những vụ khởi tố chưa theo kịp với những vụ bắt giữ, nghĩa là nhiều tay săn trộm bị tình nghi đang thoát tội.

 

Đó là vấn đề lớn đối với nhà bảo tồn Dex Kotze. Ông nói rằng ông đã vận động cho việc thay đổi luật pháp nhưng không thành công. Ông nói không có sự thay đổi này, chính phủ Nam Phi vẫn chưa thực sự nghiêm túc về cuộc chiến chống nạn săn trộm.


 
"Họ phải thay đổi luật về thủ tục hình sự. Họ phải thay đổi luật pháp," ông nói. "Thẩm phán cần có thẩm quyền rõ ràng từ chính phủ để nói rằng nếu bị bắt, đó là những gì mà nghi phạm cần phải thấy. Chúng tôi đã có bảy năm liên tiếp, giờ là tám năm liên tiếp, tê giác bị giết hại hàng loạt mỗi năm. Vậy mà luật vẫn chưa thay đổi. Thật điên rồ."

 

Ông Galliers nói săn trộm tê giác không chỉ ảnh hưởng đến tê giác mà còn đến môi trường, sức khỏe và kinh tế của những cộng đồng địa phương, an ninh biên giới và hơn thế nữa. Ông nói tất cả những điều đó cần phải được xem xét. 

 

"Không có một sự can thiệp duy nhất nào sẽ ngừng được nạn săn trộm tê giác vào ngày mai," ông nói. "Đây là cuộc đấu tranh khó khăn và lâu dài, đây là cuộc chiến tranh mà chúng tôi đang phải đối mặt... Và nếu chúng ta không thể bảo tồn loài tê giác, một loài vật có sức thu hút, thì liệu có thể hy vọng gì cho những loài khác sống trên hành tinh này?"

 

 

Tội ác và trừng phạt không phải là những chiến thuật duy nhất mà Nam Phi có để sử dụng. Nam Phi đang bí mật di dời tê giác, cố gắng thiết lập những mối quan hệ hải quan và cảnh sát với các nước tiêu thụ ở châu Á, và qua việc mở rộng giáo dục.

 

Nam Phi cũng đang cân nhắc có nên hợp pháp hóa việc bán nguồn sừng tê giác hay không, một động thái mà ông Galliers nói ông thận trọng trong việc ủng hộ cho đến khi nhìn thấy những chi tiết cụ thể.

 

Nhưng Modise nói rằng ông không từ bỏ hy vọng cho loài tê giác vào năm 2015. Ông cho biết lần gần nhất mà quần thể tê giác lâm vào khủng hoảng là cuối những năm 1960, và kể từ đó số lượng tê giác đã phục hồi.

 

"Loài tê giác có thể được cứu sống," ông nói. "Tuy nhiên, thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay lớn hơn nhiều so với ở thời điểm đó bởi vì hiện nay thị trường toàn cầu có nhu cầu sừng tê giác ngày càng gia tăng, dù là bất hợp pháp. Vì vậy, những nỗ lực của chúng tôi lần này phải có sự tham gia của những đối tác quốc tế."

 

Không ai trong số các nhà bảo tồn đầy nhiệt huyết và các chuyên gia có thể đồng ý về cách giải quyết tốt nhất tệ nạn này. Nhưng tất cả họ đều đồng ý: tình hình phải cải thiện vào năm 2015.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo