Nam Trường Sơn mất gần 30 ngàn ha rừng mỗi năm
Trung bình mỗi năm vùng cảnh quan Nam Trường Sơn bị mất 27.630 ha rừng tự nhiên.
(Tuổi Trẻ) Đó là số liệu được đưa ra tại hội thảo đánh giá hiện trạng, thách thức và đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học vùng cảnh quan Nam Trường Sơn do Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức tại Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 25-6.
Trong 6 năm qua, rừng tự nhiên trong vùng cảnh quan Nam Trường Sơn liên tục bị suy giảm về diện tích và chất lượng. Theo thống kê, tổng diện tích rừng bị mất từ năm 2005 - 2011 là 193.334 ha.
Rừng bị suy giảm nhiều nhất là ở tỉnh Đắk Nông (100 ngàn ha), tiếp đến là Bình Phước, Lâm Đồng và Đăk Lăk.
Hiện nay độ che phủ rừng trên toàn vùng cảnh quan chỉ đạt 35,9%, thấp hơn hẳn so với Tây Nguyên (51,3%) và cá nước (29,7%).
Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Đặng (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), các nguyên nhân trực tiếp gây suy giảm diện tích và chất lượng rừng trong vùng cảnh quan là tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, tình trạng cháy rừng, xây dựng thủy điện, đường giao thông nông thôn… trong thời gian qua.
Vùng cảnh quan Nam Trường Sơn bao gồm 5 tỉnh (Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đăk Lăk, Bình Phước) với tổng diện tích hơn 3,3 triệu ha. Với tổng diện tích có rừng là 1,4 triệu ha, vùng cảnh quan này đã trở thành nơi có đa dạng sinh học cao.
Toàn vùng có khoảng 4 ngàn loài thực vật bậc cao, 100 loài thú, gần 400 loài chim, hơn 100 loài bò sát và lưỡng cư. Theo thống kê hiện nay trong vùng có gần 200 loài thực vật bậc cao và 123 loài động vật có xương sống trên cạn có giá trị bảo tồn cao. Trong đó có hơn 30 loài động, thực vật cần ưu tiên bảo tồn đặc biệt.
Phan Huy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo