Thị trường

Nên để doanh nghiệp tự định giá xăng

Đó là đề xuất của TS Nguyễn Ngọc Sơn, Đại học Kinh tế-Luật TP. Hồ Chí Minh để giải quyết xung đột lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp liên quan chuyện giá xăng lên xuống thất thường.

Hiện có 12 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm 55% thị phần.

 

Không nên hành chính kinh tế mãi

 

. Thưa ông, có phải việc Petrolimex chiếm đến 55% thị phần đã khiến giá xăng dầu rơi vào thế bị doanh nghiệp làm giá, thích lên thì lên, thích xuống thì xuống?

 

+ TS Nguyễn Ngọc Sơn, Đại học Kinh tế-Luật TP. Hồ Chí Minh: Vừa qua, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, giá trong nước giảm không tương xứng. Vì vậy nhiều người bức xúc và cho rằng doanh nghiệp làm giá. Thực ra Petrolimex chiếm thị phần lớn nhưng hiện nay họ lại không định giá xăng.

 

Nếu doanh nghiệp lớn rồi dựa thế lớn để chi phối thị trường thì lỗi là của doanh nghiệp. Thế nhưng ở trường hợp xăng dầu, doanh nghiệp được bao bọc bởi cơ chế quản lý hành chính kinh tế thì lỗi đó là lỗi của cơ chế quản lý.

 

. Nếu không theo cơ chế hành chính kinh tế thì ta nên theo cơ chế nào, thưa ông?

 

+ Tôi đặt lại vấn đề, vì sao mà các doanh nghiệp tư nhân không muốn tham gia thị trường xăng dầu? Có phải là do Petrolimex quá lớn nên doanh nghiệp tư nhân chen chân không nổi hay không? Hay là do cơ chế Nhà nước ấn định giá khiến doanh nghiệp tư nhân e ngại lỗ lãi?

 

Hiện nay, Nhà nước thấy dân kêu quá thì hạ giá xăng một tí cho người ta thỏa mãn. Khi doanh nghiệp kêu quá, doanh nghiệp dỗi hờn thì Nhà nước lại sợ mất cân đối cung cầu, sau đó cũng cho tăng giá xăng lên. Có điều là khi cho tăng thì tăng nhiều mà khi cho hạ thì hạ ít. Chính điều này đã khiến người dân bức bối. Trong khi lẽ ra giá trong nước phải nhịp nhàng với giá thế giới.



Nhiều người cứ nói kinh doanh xăng dầu lãi. Vậy tại sao năm vừa rồi Petrolimex cổ phần hóa để người dân có thể tham gia vào doanh nghiệp nhưng chẳng có ai mặn mà! Chúng tôi rao bán 25% cổ phần nhưng chỉ bán được có 5%, sao mọi người không tham gia?

Nếu doanh nghiệp có quyền quyết định giá mà lại không tuân theo thị trường thì là lạm dụng. Nhưng thực tế là dù giá cao, dù lỗ thì Petrolimex vẫn phải nhập xăng về để đảm bảo an ninh nhiên liệu.

Rõ ràng, đã theo cơ chế thị trường thì chẳng có ai đi mua đắt để bán rẻ mãi. Vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta để thị trường vận hành theo Nghị định 84. Doanh nghiệp nào sai thì Nhà nước “trảm” bằng luật.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex:

 

Dĩ nhiên Nhà nước có lý của Nhà nước khi quyết định giá nhưng cái lý đó chưa minh bạch khiến người dân không hiểu. Nhà nước quản lý, định giá thì Nhà nước phải có trách nhiệm đưa thông tin về cơ sở tăng giá cho người dân hiểu. Nhà nước cũng phải “quân tử” một chút, không thể để người dân trách doanh nghiệp mãi như vậy.

 

Tôi cho rằng biện pháp tốt nhất là hãy để doanh nghiệp tự điều chỉnh giá xăng dầu theo yếu tố thị trường. Nhà nước không nên can thiệp và ấn định giá.

 

Dùng Luật Cạnh tranh cho giá xăng

 

. Liệu thả nổi giá xăng thì có xảy ra tình trạng doanh nghiệp áp giá xăng bất hợp lý không, thưa ông?

 

+ Có thể do Nhà nước lo ngại doanh nghiệp lạm quyền nên không dám thả nổi thị trường. Tôi hiểu nỗi lo ngại của người dân và cơ quan quản lý là có lý. Tuy nhiên, cũng phải xét theo khía cạnh kinh doanh cho doanh nghiệp, nếu giá thế giới tăng thực sự thì để DN tăng chứ không thể bắt doanh nghiệp lỗ. Đừng nghĩ thả nổi là xấu, là mọi thứ sẽ loạn lên. Có rất nhiều cách để quản lý nhưng hiện nay chúng ta lại thích cách hành chính hóa. Chúng ta đã có pháp luật thì tại sao Nhà nước lại không dùng luật để quản lý. Sự khôn ngoan của Nhà nước là biết định hướng tương lai chứ không phải biến các doanh nghiệp thành toa tàu và Nhà nước là đầu máy è sức ra kéo.

 

. Theo ông, có thể áp dụng luật như thế nào để xử lý nếu doanh nghiệp định giá xăng bất hợp lý?

 

+ Chúng ta đã có Luật Cạnh tranh. Cứ để doanh nghiệp điều chỉnh giá lên, xuống linh hoạt. Trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với giá cao, do lỗi của doanh nghiệp gây ra, mà lại bắt người dân phải chịu mức giá cao đó, tức là doanh nghiệp đã lạm dụng vị trí thống lĩnh khi áp đặt giá bán hàng hóa bất hợp lý.

 

Trường hợp này có thể xử theo Luật Cạnh tranh. Có hai khung xử phạt doanh nghiệp vi phạm, đó là 0%-5% và 5%-10% doanh thu/năm.

 

Một ví dụ điển hình, đó là trường hợp của Công ty Cổ phần Xăng dầu Hàng không (Vinapco) bị xử phạt ở mức 0,05% doanh thu của năm mà số tiền phạt đã lên đến gần 3,4 tỉ đồng. Vinapco đã có hành vi lạm dụng vị trí độc quyền khi đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu cho Jetstar Pacific Airlines.

 

Như vậy, chúng ta đã có Luật Cạnh tranh và rất dễ để quản lý DN xăng dầu, giá xăng dầu. Vấn đề là cơ quan nhà nước phải vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân DN tăng giá, xem xét doanh nghiệp có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hay không. Với mức phạt nặng, đánh vào kinh tế như trên thì chỉ cần xử vài lần thì doanh nghiệp cũng thất kinh, không dám tăng giá bất hợp lý nữa.

 

Hiện chúng ta đã có lực lượng điều tra, đó chính là các điều tra viên tại Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương). Vì vậy chúng ta nên trao quyền cho Cục Quản lý Cạnh tranh kiểm soát doanh nghiệp xăng dầu.

 

. Xin cảm ơn ông.

 

Theo PL TPHCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo