Hi-tech

Nên hay không việc mua xe ô tô chạy Grab, Uber?

"Mỗi tháng tôi phải đóng gần 9 triệu đồng tiền mua ô tô cho ngân hàng. Tháng đầu tiên, tôi chạy đủ tiền đóng nhưng..."

Tháng 2/2014, Grab đặt chân vào Việt Nam với tên gọi Grab Taxi sau đó đến lượt Uber. Trên thực tế, trong thời gian đầu với chính sách cao, Grab Taxi và Uber mang tới thu nhập khủng cho không ít chủ xe nên nhiều người sẵn sàng đầu tư mạnh tay. Tuy nhiên, không ít người đã càng làm càng khó.

“Trước đây tôi chạy Grab Taxi cả ngày từ sáng tới khuya có khi vẫn không đủ mức quy định để được nhận hỗ trợ. Thấy không ổn, tôi chuyển sang Uber nhưng cũng chỉ được một thời gian là oải. Hai tài xế tôi thuê cũng bỏ cuộc khi thu nhập giảm mạnh” - anh Nguyễn Minh (42 tuổi, ngụ quận 5. TP.HCM) than thở. Đồng thời, anh cho biết hiện đã bán hai xe để trả nợ và mua thương quyền của một hãng taxi truyền thống cho chiếc xe còn lại để tự chạy kiếm sống.

Nên hay không việc mua xe ô tô chạy Grab, Uber?
Anh Phạm Quốc Duy cho hay tiền chạy Grab chỉ vừa đủ trả nợ ngân hàng chứ không thể nuôi sống gia đình. Ảnh: HT

Anh Phạm Quốc Duy (45 tuổi, tài xế Grab) cho biết: “Mỗi tháng tôi phải đóng gần 9 triệu đồng tiền mua ô tô cho ngân hàng. Tháng đầu tiên, tôi chạy đủ tiền đóng. Tuy nhiên, hiện nay xăng tăng giá, cước phí Grab giảm, tôi chạy cật lực cũng chỉ kiếm được 400.000-500.000 đồng/ngày. Trừ chi phí xăng cộ, số tiền đó chỉ vừa đủ để tôi trả nợ ngân hàng chứ không thể nuôi sống gia đình. Đó là trường hợp tôi cố gắng chạy, chứ nhiều bạn bè của tôi chạy mỗi ngày chỉ hơn 200.000 đồng, không đủ trả nợ ngân hàng”.

Cùng cảnh ngộ trên, anh Đào Minh Quốc (tài xế tự do) kể: “Tôi không có tiền mua xe riêng nên đến Grab đăng ký thuê xe chạy. Cứ 100% lợi nhuận là tôi phải đóng cho Grab 20%, số còn lại tôi phải chia đôi với chủ xe. Vị chi tôi chỉ còn lại 40% tổng lợi nhuận. Tính luôn chi phí xăng cộ, tôi chẳng kiếm được bao nhiêu”.

Hiện cũng không ít tài xế Grab Car đã phải “khóc đứng khóc ngồi” khi đơn vị vận tải này thông báo hạ mức cước từ 12.000 đồng/km xuống còn 10.000 đồng/km. Lý do đơn vị này đưa ra hạ mức cước là để thu hút người dân sử dụng dịch vụ và sẽ có các mức tăng phí (nhân giá) vào các thời điểm trong ngày để tài xế có thể cải thiện thu nhập. Tài xế Uber cũng gặp khó khăn tương tự khi công ty bắt buộc phải đóng thêm một khoản thuế mỗi chuyến đi.

Thực tế, nhiều chủ xe vì lợi nhuận hàng tháng kiếm được không đủ trả nợ ngân hàng hoặc thuê tài xế nên đành phải bán xe hoặc chuyển sang kinh doanh các loại hình vận tải khác.

Việt Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo