Quốc tế

Nepal: Bức tranh kinh tế ảm đạm sau thảm họa động đất

Báo chí Nepal hôm 17/5 đưa tin, chính phủ Nepal đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho kinh tế nước này khi khẳng định rằng, hầu hết tất cả các nền tảng kinh tế chính đều bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất trong thời gian gần đây.

 

Nạn nhân của động đất chờ viện trợ lương thực tại thủ đô Kathmandu hôm 17/5/2015 (Ảnh THX)

 

Kinh tế quốc gia thuộc dãy Himalaya này được cho là sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng do trận động đất mạnh 7,9 độ richte quét qua quốc gia hôm 25/4 vừa qua. Trận động đất này đã cướp đi sinh mạng của gần 8.500 người.
 
"Hiện còn quá sớm để tính toán chính xác các thiệt hại cũng như tác động của động đất đối với kinh tế. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà chúng tôi đặt ra trước đây sẽ rất khó đạt được. Tăng trưởng kinh tế sẽ không được như kỳ vọng", ông Baikuntha Aryal, thư ký của Bộ Tài chính Nepal phát biểu trên tờ Republica.
 
Được biết, Nepal đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 4,5% trong năm tài khóa hiện tại 2014/2015.
 
Ngay sau khi xảy ra động đất, Ngân hàng Phát triển châu Á đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nepal xuống còn 4,2% từ mức dự báo trước đó là 4,6% cho năm tài khóa hiện tại.
 
"Lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả du lịch và khách sạn, có thể chịu tác động đáng kể của trận động đất. Tính đến nay, lĩnh vực dịch vụ vẫn chưa hoạt động trở lại sau thảm họa động đất. Điều này đồng nghĩa rằng sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong hai tháng tới", ông Baikuntha Aryal cho biết thêm.
 
Tương tự như vậy, lạm phát được dự báo sẽ vượt mục tiêu của chính phủ. Trong dự báo tăng trưởng cho năm tài khóa 2014/2015, chính phủ đã đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 8%.
 
Theo dự báo của Bộ Tài chính Nepal, trận động đất và các cơn dư chấn sau đó khiến dòng vốn đổ vào nước này cũng như nguồn cung sụt giảm, kéo theo lạm phát tăng trên 8%.
 
Trong khi đó, thâm hụt thương mại, vốn ở mức rất cao, cũng sẽ tiếp tục nới rộng trong năm tài khóa hiện tại khi lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp được cho là sẽ đi xuống do động đất. Sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tình trạng mất mát vật nuôi và đất canh tác bị thiệt hại có khả năng sẽ thúc đẩy nhập khẩu gia tăng và ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu, từ đó đẩy thâm hụt thương mại tăng lên.
 
Trong khi đó, chính phủ Nepal khẳng định rằng, ngân sách quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng trong năm tài khóa hiện hành.
 
Hôm 17/5, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala cho biết, đất nước ông cần 2 tỷ USD để khôi phục sau hai trận động đất mạnh 7,9 và 7,1 độ richter xảy ra trong vòng 3 tuần làm hơn 8.500 người chết. Hai trận động đất liên tiếp đã phá hủy nặng nề cơ sở hạ tầng của Nepal. Ông Koirala cho biết chính phủ Nepalđã lập quỹ tái khôi phục và xây dựng để quyên góp tiền cho Nepal. 
 
 
Nepal vẫn ngổn ngang sau động đất (Ảnh AFP)
 
 
Hãng tin AFP dẫn lời thủ tướng Nepal cho hay: “Mục tiêu của chúng tôi là quyên góp 2 tỉ USD, chính phủ đã để dành được 200 triệu USD và đưa số tiền này vào quỹ đồng thời kêu gọi các cộng đồng và lĩnh vực tư nhân đóng góp”.
 
Hơn 20 nước trên thế giới đã gửi nhân viên cứu trợ cùng hàng hóa và nhu yếu phẩm đến giúp tìm kiếm và hỗ trợ nạn nhân động đất. Hồi đầu tháng 5/2015, Liên Hiệp Quốc cho biết, tổ chức này chỉ nhận được 22 triệu USD trong tổng số 415 triệu USD mà họ kêu gọi quyên góp ngay sau những trận thảm họa.
 
Thủ tướng Koirala thừa nhận, chính phủ Nepal trở tay không kịp khi trận động đất thứ hai xảy ra vì họ đang bị hậu quả của trận động đất mạnh 7,9 độ richter hôm 25/4 chi phối quá nhiều.
 
NM (Theo AFP/THX)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo