Quốc tế

Nepal: Chi phí tái thiết sau động đất sẽ vô cùng tốn kém

Nepal - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch - đã bị tàn phá nặng nề sau trận động đất kinh hoàng hôm 25/4 vừa qua. Chính phủ Nepal đã kêu gọi sự hỗ trợ to lớn của cộng đồng quốc tế để bắt đầu tiến trình tái thiết đất nước. Nhiều người cho rằng, chi phí tái thiết sau thảm họa động đất tại Nepal sẽ vô cùng tốn kém.

 

Quảng trường Kathmandu Durbar tan hoang (Ảnh: AFP)

 

Theo số liệu thống kê, 10.718 tòa nhà chính phủ đã bị phá hủy và 14.741 tòa nhà bị thiệt hại một phần. 191.058 nhà dân bị san phẳng và 175.162 bị hư hỏng. Trong khi đó, báo chí Mỹ cho hay 200 di sản, tương đương 90% các di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận ở Nepal đã bị phá hủy trong thảm họa động đất ngày 25/4. 

 

Tháp Dharahara trước và sau động đất ngày 25.4 - Ảnh: mirror.co.uk

 

Một quan chức Nepal ước tính số di sản này cần từ 5-7 năm và hàng triệu USD để có thể khôi phục. Nepal hiện cũng đã đề nghị quốc tế hỗ trợ quá trình tái thiết các di sản được cho là một niềm tự hào của ngành du lịch của đất nước này. Tượng đài và đền chùa là những điểm du lịch thu hút đông du khách tham quan nhất khi tới Nepal.

 

Giới chức Nepal cho biết, trận động đất kinh hoàng hồi cuối tháng trước đã cướp đi sinh mạng của hơn 7.500 người, làm trên 14.000 người bị thương, san phẳng nhiều ngôi làng trên núi, tàn phá nhiều tòa nhà và các địa điểm khảo cổ tại thủ đô Kathmandu.

 

Mặc dù đã dành khoảng 196 triệu USD cho quỹ phục hồi và tái thiết (RRF), chính phủ Nepal vẫn tiếp tục kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để giúp cải thiện tình hình cực kỳ khó khăn hiện nay. AFP cho hay, LHQ ước tính phải cần đến 415 triệu USD để giúp Nepal phục hồi và tái thiết đất nước.

 

Viện trợ nước ngoài được cho là sẽ đóng một vai trò lớn trong việc tái thiết quốc gia nghèo khó sau trận động đất này.

 

Hôm 05/5, Cơ quan Viện trợ Hoa Kỳ đã thông báo viện trợ vật tư y tế, nước sạch, vật liệu dựng lều trại khẩn cấp, cải thiện vệ sinh môi trường và dụng cụ vệ sinh trị giá 11 triệu USD cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Nepal.

 

Một bé trai với bó rau nhận được từ cơ quan cứu trợ địa phương tại một ngôi làng bị trận động đất  ở Nepal tàn phá - Ảnh: Reuters

 

Theo giới chức Nepal, có tới 1/3 người dân khu vực thủ đô Kathmandu phải rời đi kể từ khi xảy ra thảm họa động đất. Trong những ngày đầu sau thảm họa, các trạm xe bus chật kín người do họ lo ngại các cơn dư chấn hoặc cố gắng tới nhà người thân nhằm tìm kiếm nơi an toàn. Tính đến hôm 05/5, vẫn còn cảnh người dân xếp hàng chờ xe bus để rời khỏi Kathmandu.

 

Cảnh sát Kathmandu cho biết, gần 900.000 người đã rời đi trong 10 ngày qua. Dân số của thung lũng Kathmandu - bao gồm thành phố Kathmandu và các thị trấn nhỏ hơn như Lalitpur và Bhaktapur - là 2,5 triệu người.

 

Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Kathmandu hôm 05/5, người phát ngôn Bộ Nhà ở Nepal, ông Prasad Dhakal, nhận định số người thiệt mạng còn tiếp tục tăng sau khi các lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực hẻo lánh, nơi toàn bộ các ngôi nhà bị phá hủy trong khi tiếp tục xảy ra dư chấn.

 

Cuộc sống tại Kathmandu đang dần trở lại bình thường. Các trường học vẫn đóng cửa cho đến ngày 14/5, tuy nhiên một số khu chợ đã mở và đã xuất hiện các chuyến xe tải chở thực phẩm tươi hàng ngày.

 

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, các bệnh viện dã chiến tạm thời đã được thiết lập tại 5 địa điểm thuộc Kathmandu và 5 địa điểm bên ngoài thủ đô. 

 

 

 

NM (Theo AP)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo