Quốc tế

Nepal: Đụng độ và cướp bóc sau thảm họa động đất

Ngày 29/4, tình trạng cướp bóc và xung đột đã xảy ra giữa người dân và lực lượng cảnh sát chống bạo động Nepal khi những người sống sót sau thảm họa động đất kinh hoàng vừa qua tại thủ đô Kathmandu trở nên giận dữ do không thể trở về với gia đình trong khi các kho dự trữ cũng đang dần cạn kiệt.

 

Trong tâm trạng tuyệt vọng tìm cách trở về với người thân đang bị mắc kẹt tại những vùng hẻo lánh, hàng nghìn người đã tập trung bên ngoài ngoài các bến xe khách lớn tại thủ đô từ trước khi trời sáng sau khi chính phủ cam kết sẽ cung cấp dịch vụ đặc biệt đưa người dân về với nhà ở những khu vực xa xôi. Song, do lượng xe không đáp ứng đủ nhu cầu, đám đông dân chúng đã trở nên giận dữ. Họ đã tới biểu tình trước tòa nhà quốc hội, kéo theo xung đột giữa người dân với lực lượng cảnh sát chống bạo động xung quanh tòa nhà quốc hội.
 
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình xảy ra khi người dân chặn một con đường gần tòa nhà quốc hội.
 
Tình trạng cướp bóc cũng đã xảy ra. Một số người biểu tình chặn cướp một xe tải chở nước ngay trên đường. Các đối tượng quá khích cầm theo gậy tràn vào các con phố, tấn công các xe khách và nhiều phương tiện khác. Ở Dolakha, nhiều người giận dữ đập phá cửa sổ một tòa nhà chính quyền.
 
200 người Nepal hôm nay hô khẩu hiệu phản đối chính quyền trong cuộc biểu tình tại thủ đô Kathmandu.
 
Bộ trưởng Truyền thông Nepal Minendra Rijal nhấn mạnh thảm họa vừa xảy ra là quá lớn và không thể lường trước, chính phủ đã không thể đáp ứng kỳ vọng của người dân song cam kết sẽ khắc phục vấn đề này từ ngày 29/4.
 
Theo thống kê của Liên hợp quốc, trên 5.000 người đãt thiệt mạng, 8.000 người bị thương, và 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 7,8 độ richte hôm 25/4 vừa qua. Đây là trận động đất mạnh nhất trong khoảng 8 thập kỷ qua ở Nepal.
 
Trong khi đó, một quan chức thuộc Bộ Nội vụ Nepal tiết lộ, tính đến tối ngày 29/4, số người thiệt mạng đã tăng lên 5.238 người, trên 10.300 người bị thương, trên 80 người thiệt mạng tại Ấn Độ và Tây Tạng. 
 
Trước đó, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala cho rằng, số người thiệt mạng trong thảm họa này có thể lên tới hơn 10.000, vượt qua con số 8.500 người trong trận động đất kinh hoàng năm 1934 tại Nepal.
 
 
 
 
NM (Theo AFP/Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo