Quốc tế

Nepal: Hơn 1.000 người thương vong trong trận động đất thứ 2

Chưa đầy 3 tuần sau trận động đất kinh hoàng mạnh 7,8 độ Richter khiến Nepal lâm vào cảnh tan hoang, một cơn địa chấn lên đến 7,3 độ Richter ngày 12/5 đã tiếp tục giáng xuống quốc gia Nam Á nghèo khó này. Theo số liệu của Trung tâm các vấn đề khẩn cấp Nepal, chỉ trong vài giờ đầu, con số thương vong đã lên ít nhất 48 người chết, trong đó ít nhất 17 người thiệt mạng tại Ấn Độ, và hơn 1.261 người bị thương.

 

Sau thảm họa động đất thứ hai này, hàng ngàn người dân Nepal đã phải ở ngoài trời qua đêm. Nhiều người đã không trở về nhà kể từ khi trận động đất mạnh 7,8 độ richte quét qua hôm 25/4 khiến trên 8.000 người thiệt mạng.
 
  Nhiều người dân tại Kathmandu phải ở ngoài trời qua đêm (Ảnh AFP)
 
Tâm chấn trận động đất hôm 12/5 cách thủ đô Kathmandu khoảng 76km về phía Đông, gần thị trấn Namche Bazaar. Một cơn dư chấn thứ hai mạnh 6,3 độ richte đã tiếp tục làm rung chuyển Nepal 30 phút sau đó cùng nhiều đợt rung lắc mạnh khác tiếp tục vào sáng sớm ngày 13/5.
 
Trận động đất hôm 12/5 có cường độ mạnh 7,3 độ richte (Nguồn USGS)
 
Trận động đất chính mạnh 7,3 độ richte còn lan tới phía Bắc Ấn Độ, Tây Tạng và Bangladesh. Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết, 16 người đã thiệt mạng tại bang Bihar, và 1 người khác tại bang Uttar Pradesh. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc tiết lộ, 1 người thiệt mạng tại Tây Tạng.
 
Theo đánh giá ban đầu, các quận Dolakha và Sindhupalchowk của Nepal, thuộc phía Đông thủ đô quốc gia, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, các quan chức xác nhận có tới 26 trường hợp thương vong, trong đó 20 người thuộc thị trấn Charikot.
 
Trận động đất mới nhất tại Nepal còn gây ra tình trạng sạt lở đất tại Dhunche gần biên giới quốc gia với Trung Quốc. Tuy nhiên, con số thương vong và thiệt hại vẫn chưa được thống kê.
 
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Bam Dev Gautam cho biết: "Nhiều ngôi nhà tại Dolakha đã bị sụp đổ. Do vậy số người thiệt mạng thuộc quận này sẽ tăng lên".
 
  Ít nhất 2 tòa nhà lớn tại Kathmandu bị sụp đổ, làm gia tăng lo ngại nhiều người dân bị mắc kẹt (Ảnh Getty images0
 
AP dẫn lời phát ngôn viên của Tổ chức Di trú quốc tế Paul Dillon cho hay, một số khu nhà đã sập đổ ở thị trấn Chautara, miền trung Nepal. Chautara đã trở thành trung tâm cứu trợ nhân đạo sau trận thiên tai vào ngày 25/4. Trong khi đó, tại Kathmandu, phi trường quốc tế Tribhuvan lập tức ngưng hoạt động và bị phong tỏa.
 
Bệnh nhân phải nằm bên ngoài Bệnh viện Teaching thuộc Kathmandu (Ảnh AP)
 
Trong một diễn biến khác, ngày 12/5, chiếc trực thăng cứu hộ UH-1Y Huey của Hải quân Mỹ mất tích trong vùng núi Nepal vào lúc 22 giờ theo giờ địa phương. Theo Telegraph, trên trực thăng lúc đó có 8 người: 6 người thuộc Hải quân Mỹ và 2 người thuộc quân đội Nepal. Bất chấp điều kiện trời tối, quân đội Nepal triển khai một lực lượng trên mặt đất rà soát tìm kiếm chiếc trực thăng.
 
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren cho biết, chiếc UH-1Y Huey gặp nạn sau khi chở gạo và tấm nhựa cứu trợ tới một địa điểm và đang trên đường tới địa điểm thứ hai thì mất liên lạc. Giới chức Mỹ hy vọng, đây không phải là vụ tai nạn mà chỉ đơn thuần là mất tích vì họ chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu tai nạn máy bay như khói đen…
 
NM (Theo BBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo