Nepal rốt ráo tìm hướng đi cho "ngành công nghiệp" leo núi
Loại hình du lịch leo núi mang lại nguồn thu nhập chính cho đất nước Nepal. Những điểm đến chính đối với du khách hiện vẫn đang phải đối mặt với tình trạng lở đất sau trận động đất và các cơn dư chấn đã khiến các dãy núi không an toàn cho hoạt động leo núi.
Những nơi vốn được coi có nguy cơ cao chủ yếu nằm tại Manasalu, Langtang, Rolwaling và Helambu - những khu vực leo núi thuộc miền Trung Nepal. Ngoài ra, khu vực Annapurna và đỉnh Everest - nơi có số lượng người leo núi nhiều nhất - cũng không an toàn.
"Trước khi chúng tôi thông báo rằng, các khu vực từng bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất là những điểm đến du lịch an toàn cho du khách, chúng tôi đã quyết tâm có được một báo cáo đánh giá từ các nhà địa chất và chuyên gia quốc tế - những người sẽ tới thăm hiện trường", ông Ramesh Dhamala, Chủ tịch Hiệp hội Các đại lý leo núi của Nepal, cho biết.
"Nếu không có tiếng nói của họ về việc những khu vực an toàn để leo núi, thì chúng tôi sẽ không tiến hành hoạt động kinh doanh nguy hiểm này chỉ vì những lợi ích trước mắt. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất với chính phủ bằng văn bản rằng, những khu vực leo núi này không nên mở cửa trở lại trước khi các chuyên gia có đánh giá công khai trên toàn thế giới", ông Ramesh Dhamala cho biết thêm.
Các đại lý leo núi cho biết, họ quan ngại rằng, nếu khách du lịch được phép tới thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất trong điều kiện hiện tại, và nếu thảm họa này lại tiếp tục tấn công nơi đây thì ngành công nghiệp du lịch quốc gia sẽ không thể phục hồi.
Các cơ quan điều hành leo núi cũng có chung tâm trạng lo ngại như vậy.
"Chúng tôi cũng thực sự quan ngại. Chúng tôi đã tham gia cùng các đại lý leo núi và chính phủ để có được một đánh giá khoa học, bởi vì nếu không có đánh giá khoa học thì rủi ro với những người leo núi trong khu vực vốn đã bị tàn phá bởi động đất là rất cao", ông Ang Tshering Sherpa, Chủ tịch Hiệp hội Leo núi Nepal, chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện có một số cơ quan điều hành du lịch tin tưởng rằng hoạt động kinh doanh này cần khôi phục càng sớm càng tốt, bởi lẽ không phải tất cả mọi địa điểm đều bị tàn phá nặng nề và hiện có một số khu vực có rủi ro ít hơn.
Theo thống kê, gần 800.000 du khách đã tới thăm Nepal trong năm 2013, tương tự lượng du khách tới quốc gia châu Á này trong năm 2012. Trong đó, khoảng 13% du khách đến Nepal để leo núi.
Khu vực Annapurna có số lượng người leo núi cao nhất, chỉ đứng sau khu vực Everest.
Tâm chấn của trận động đất hôm 25/4 thuộc khu vực Gorkha, phía tây thủ đô Kathmandu. Tuy nhiên, các cơ dư chấn còn lan tới tận Everest về phía Đông.
Trận động đất kinh hoàng hôm 25/4 vừa qua đã làm rung chuyển các khu vực núi thuộc thung lũng Langtang - nơi toàn bộ các ngôi làng bị chôn vùi do sạt lở tuyết và lở đất, khiến gần 200 người, trong đó có cả các du khách leo núi người nước ngoài, thiệt mạng.
Trận động đất này cũng đã làm rung chuyển nhiều dãy núi tại khu vực Annapurna - nơi tình trạng sạt lở đất đã tiếp diễn trong những ngày gần đây. Còn cơn dư chấn mạnh với cường độ mạnh 7,3 độ richte hôm 12/5 có tâm chấn ở phía Đông Bắc của thủ đô Kathmandu, nơi có các khu vực leo núi nổi tiếng, gồm Rolwaling và Helambu. Cơn dư chấn này đã gây ra sự tàn phá lớn cho nhiều khu vực, trong đó có khu vực Everest.
Các nhà địa chất cho biết, các trận động đất đã gây ra hơn 3000 vụ sạt lở đất và đợt gió mùa sắp tới có thể làm co tình hình trầm trọng thêm.
"Các dãy núi vẫn chưa an toàn là do các trận động đất đã tàn phá cảnh quan, tàn phá đất, đá trên trên các sườn đồi", nhà địa chất Prof Alex Densmor thuộc Viện nghiên cứu rủi ro và thảm họa thuộc đại học Durham (Anh) cho biết.
Hãng tư vấn IHS ước tính, chi phí xây dựng lại Nepal từ hoang tàn của trận động đất có thể vượt con số 5 tỉ USD, tương đương 20% GDP của Nepal, vốn chủ yếu là nông nghiệp và có nguồn thu ngoại tệ đa phần chảy về từ ngành du lịch, kiều hối.
End of content
Không có tin nào tiếp theo