Thị trường

Nếu ngân hàng phá sản, có trả đủ gốc và lãi cho người gửi tiền?

(DNVN) - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng cần phải làm rõ có chi trả đủ tiền gốc và lãi cho người gửi tiền hay không khi xử lý ngân hàng yếu kém.

Sáng nay 26/10, tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đưa ra 5 phương án xử lý cụ thể đối với các tổ chức tín dụng yếu kém: phục hồi; sáp nhập, chuyển nhượng; chuyển giao bắt buộc; giải thể; phá sản. Tại mỗi phương án đều có những quy định cụ thể tương ứng.

Nhằm hạn chế sở hữu chéo, dự án luật cũng quy định rõ một cá nhân không thể cùng lúc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại hai tổ chức tín dụng khác nhau. Đồng thời, để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, cá nhân này phải đạt yêu cầu khắt khe hơn về bằng cấp và số năm kinh nghiệm trong ngành.

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD nhằm xử lý một số vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ các quy định liên quan đến kiểm soát đặc biệt và phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản, cũng như các quy định pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

“Dự án Luật được xây dựng sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xử lý những vấn đề cấp bách hiện nay đối với các TCTD yếu kém, cũng như ngăn ngừa sự phát sinh các tổ chức tín dụng yếu kém”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhận định.

Một số ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa các nguyên tắc đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt như nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường; nguyên tắc công khai, minh bạch; nguyên tắc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; nguyên tắc về quy trình hoạt động giám sát, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nguyên tắc về kiểm toán, các nguyên tắc về văn bản của các cơ quan hoặc cơ quan giám sát trong thực hiện giám sát các TCTD được kiểm soát đặc biệt.

“Quyền lợi của người gửi tiền sẽ được bảo đảm như thế nào? Những ngân hàng lớn, khi bị phá sản, nguy cơ, sự ảnh hưởng tới an toàn hệ thống, những tác động tiêu cực tới xã hội là rất lớn”, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu quan điểm khi đề cập đến vấn đề về bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.

Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, công khai thông tin về tình trạng kiểm soát đặc biệt; xác định, điều chỉnh tiêu chí xếp hạng ngân hàng yếu kém để phù hợp hơn với tình hình kinh tế của từng năm, hoặc từng chu kỳ; bổ sung quy định đánh giá bắt buộc các TCTD theo thông lệ kiểm toán quốc tế. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể về thời gian TCTD phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước khi nhận thấy nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán nhằm tránh tình trạng TCTD chậm trễ, kéo dài thời gian báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, trong cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém cần thực hiện trên nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước.

 

Còn đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thì cho rằng, cần có các quy định chặt chẽ và cụ thể về lực lượng tham gia tái cơ cấu, giải cứu các TCTD yếu kém vì con người luôn là yếu tố quyết định, đặc biệt đây lại là những con người “như đi tháo ngòi nổ quả bom”.

Trong khi đó, đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đề nghị luật cần phải làm rõ có chi trả đủ tiền gốc và lãi cho người gửi tiền hay không khi xử lý ngân hàng yếu kém. Ông Đồng cho rằng nếu không chi trả vượt mức chi của bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng/người thì sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của hệ thống.

Liên quan về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng mức quy định chi trả của bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng không có ý nghĩa thực tiễn khi người gửi đến hàng tỉ đồng, vì thế cần phải xem xét kỹ quy định này.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo