Xã hội

Nêu tên những thực phẩm không đạt tiêu chuẩn

Đây là “kê toa” của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhằm chữa tận gốc tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác đảm bảo VSATTP do Chính phủ tổ chức với 63 tỉnh thành, chiều 9-1.

“Cách làm này là hữu hiệu nhất, vì hiện người dân không biết thực phẩm nào là an toàn cả” - người đứng đầu ngành y tế cả nước đã thừa nhận như vậy. Bà Tiến đề xuất: cơ sở nào có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về VSATTP cứ nêu tên trên báo chí và phạt thật nặng. Lúc đó, người dân sẽ tự biết không dùng loại thực phẩm đó nữa.

Thực phẩm bẩn nâng tầm thủ đoạn

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng để có bữa ăn an toàn cho mỗi người dân thì tiến tới phải có tem an toàn trên mỗi thực phẩm. Loại thực phẩm nào chưa có tem sẽ cố gắng phấn đấu đủ chất lượng để có. Tuy nhiên, những kỳ vọng này của bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã vấp ngay thực tế không mấy sáng sủa từ các số liệu về VSATTP của Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an và cả Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đưa ra con số khá choáng: 45% tỉnh thành bị xếp hạng C - có vi phạm nghiêm trọng trong giết mổ gia súc, gia cầm. Ông Cao Đức Phát thừa nhận các tỉnh đạt hạng A rất ít, còn các tỉnh tiến bộ từ hạng C lên B (vi phạm ít) rất hiếm và hiện mới chỉ có 32/63 tỉnh thành thực hiện quy hoạch về giết mổ. Ông Phát nhận định những lò mổ hạng C này chính là nguồn gốc của việc mất VSATTP, và với đà chuyển biến như thế này, cải thiện VSATTP là rất nan giải.

C49 Bộ Công an còn đưa những ví dụ rùng rợn hơn khi trong năm 2012 hành vi chế biến thực phẩm bẩn đã được “nâng tầm” về thủ đoạn. Từ việc rộ lên dùng rhodamine B (chất nhuộm vải) tạo màu cho thực phẩm, dùng thịt heo thối trộn mắm tép đến sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi... Đại diện Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương thừa nhận: “Hoa quả của Trung Quốc mà dán mác của Mỹ thì cũng chịu, không phát hiện được”.

Ngay trong phần báo cáo của mình, bộ trưởng Bộ Y tế dù cho biết có sự tiến bộ về VSATTP trong năm 2012 nhưng cũng chỉ ra những bất cập khó giải quyết. Đó là thừa nhận không thể nào cản được ngộ độc rượu và nỗi lo về ngộ độc trong bếp ăn gia đình. Bà Tiến nói có một nghịch lý là ngộ độc ở bếp ăn tập thể dẫn đầu số vụ nhưng không có người chết, trái lại số vụ ngộ độc ở bếp ăn gia đình ít vụ hơn lại có người chết. “Ý thức của nhiều người còn kém. Có người ngộ độc lòng lợn tiết canh, nhập viện, ra viện lại ăn tiếp. Có gia đình có người chết vì rượu, vẫn cứ tiếp tục uống rượu” - bà Tiến nêu lên những cản ngại.

Bắt gà lậu khó như bắt heroin

Đây là cách ví von của đại diện C49 Bộ Công an về công tác bắt gà lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc tuồn qua biên giới phía Bắc. Mặc dù, trước đó cả hai bộ Y tế, NN&PTNT cùng báo các vụ gà nhập lậu đã giảm 90% và được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá là một trong những thành quả tiêu biểu trong công tác VSATTP năm 2012. Nhưng cũng như C49, 10% số gà nhập lậu còn lại là chủ đề được gần như tất cả các bộ ngành có mặt và 3/5 tỉnh, thành chọn phát biểu, đề cập tại cuộc họp với rất nhiều quan ngại.

Đại diện C49 nói thẳng việc bắt gà lậu gặp nhiều khó khăn vì có khi gặp cả sự tiếp tay “chạy” giấy kiểm dịch của cán bộ phụ trách VSATTP. Không chỉ phải mật phục trong giá rét, bắt được gà lậu rồi còn phải đưa quân đi khắp các tỉnh xác minh nguồn gốc để chứng minh đó là gà lậu mới được xử lý.

Mới đây nhất, đêm 8-1 bắt được một xe chở gà tại Bắc Giang, biết chắc đó là gà Trung Quốc nhưng lại có giấy kiểm dịch của Lạng Sơn. Lên Lạng Sơn thì được xác định là gà Trung Quốc nhưng nuôi từ nhỏ ở Lạng Sơn. Đến giờ vẫn loay hoay chưa ngã ngũ được với xe gà này.

Ông Nguyễn Đức Khoa - chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh nằm trên trục đường chính tuồn gà lậu về Hà Nội - cho rằng dù gà lậu đã giảm 90% nhưng số gà lậu tràn về vẫn khá lớn. Ông Khoa đề nghị phải có biện pháp mạnh ngay từ biên giới mà cụ thể là Lạng Sơn, cửa ngõ của gà Trung Quốc nhập lậu, thì mới triệt để.

Ông Tô Hùng Khoa - phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - nêu khó khăn là hiện vẫn chưa có biện pháp căn cơ hơn trong việc chống gà lậu từ Trung Quốc. Ông cho rằng việc chống gà lậu có công lớn của lực lượng biên phòng. “Nhưng không thể trông mãi vào biên phòng vì họ còn rất nhiều việc. Chúng ta phải tăng cường lực lượng chuyên nghiệp và độc lập mới mong chống thành công việc buôn gà lậu” - ông Khoa nói.

Lực lượng quá mỏng

Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Minh, giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho hay hiện ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP ở các xã phường hoạt động kém hiệu quả, lực lượng cán bộ làm công tác VSATTP đã mỏng lại kiêm nhiệm nhiều công việc, phòng xét nghiệm tại các đơn vị chức năng chưa được trang bị các phương tiện hiện đại nên chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cung cấp thông tin: “Cả nước hiện chỉ mới có hơn 300 cán bộ chuyên trách về thanh tra VSATTP, trong khi Thái Lan dân số ít hơn nhưng có 5.000 người, Nhật Bản có 12.000 người đảm nhận công việc này”.

Sở Y tế Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ tăng biên chế cho hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã; kiến nghị các bộ tăng cường kinh phí cho hoạt động đảm bảo VSATTP.

Đại diện các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận cũng kiến nghị cần đẩy nhanh quá trình thực hiện luật an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường biên chế cho các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm của địa phương để đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành này, nhất là những khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhiều bếp ăn công nghiệp.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo