New Delhi khổ vì khỉ
Một con khỉ chặn trước mặt cô Maeve O’Connor. Con thứ hai xuất hiện đằng sau và ra hiệu muốn lấy túi xách của cô. Biết rằng việc kháng cự có thể gặp nguy hiểm nên cô O’Connor đành giao chiếc túi xách cho chúng.
Nạn nhân của vụ trấn lột này cho biết: “Tôi có đem theo một số túi xách khác nhưng chúng biết rõ túi xách nào có bánh mì tươi trong đó. Bọn khỉ này hoạt động thật thầm lặng, nhanh chóng và rất hiệu quả”.
Mối đe dọa không nhỏ
Cuộc đối đầu nói trên - kéo dài không quá 15 giây - chỉ là một trong số nhiều vụ có liên quan đến đàn khỉ đang hoành hành ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Đã xuất hiện nhiều câu chuyện về việc khỉ vào nhà dân, đánh cắp quần áo và cắn những người làm chúng giật mình.
Bọn khỉ xem tòa nhà quốc hội như là sân chơi, xâm nhập văn phòng thủ tướng và trụ sở Bộ Quốc phòng. Loài vật này thỉnh thoảng còn lên xe buýt và tàu điện ngầm.
Vào năm 2007, một phó thị trưởng New Delhi tử vong do ngã từ sân thượng nhà mình sau khi bị khỉ tấn công. Sau vụ việc này, chính quyền thành phố đã đẩy mạnh nỗ lực bắt và đưa khỉ đến khu vực dành riêng cho chúng. Dù vậy, những vụ tấn công tương tự vẫn tiếp diễn.
Trong tháng 5 này, một bé gái 14 tuổi bị thương nặng do ngã từ mái của một tòa nhà 5 tầng sau khi bị khỉ truy đuổi.
Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia ở bang Maryland (Mỹ), cho báo The New York Times biết: “Khỉ thường cắn người và có thể gây vết thương lớn. Chúng đủ thông minh để tấn công vào mặt của con người”.
Theo ông Fauci, vết cắn của khỉ thường gây ra nhiễm trùng da. Nghiêm trọng hơn, vết cắn của khỉ còn có thể dẫn đến bệnh dại hoặc một dạng chết người của virus Herpes dù hầu như chưa có trường hợp nào thuộc loại này được ghi nhận.
Chính quyền bó tay
Số lượng khỉ ở New Delhi đã trở nên quá đông đúc và táo tợn đến nỗi các quan chức thành phố đã xin Tòa án Tối cao thôi giao cho họ nhiệm vụ kiểm soát đàn khỉ.
R. B. S. Tyagi, giám đốc cơ quan thú y thành phố, cho biết chính quyền thành phố đã bắt đầu chương trình trả tiền cho người bắt khỉ 7 năm trước, khởi đầu với số tiền 5 USD cho mỗi con bắt được. Số tiền này tăng lên 9 USD từ 4 năm trước và hiện là 12 USD. Dù vậy, theo ông Tyagi, rất ít người chịu làm công việc này.
Ông Tyagi cho biết đã có 13.013 con khỉ bị bắt kể từ năm 2007 nhưng số lượng khỉ chỉ có tăng lên chứ không giảm. Lý do thật đơn giản: Truyền thống của người Hindu kêu gọi cho khỉ ăn vào những ngày thứ ba và thứ bảy vì khỉ được xem là đại diện sống của thần Hanuman.
Điều mỉa mai là không ít người hôm trước cho khỉ ăn nhưng đến hôm sau lại lên khiếu nại với chính quyền rằng chúng đã lấy cắp quần áo của họ.
Một nguyên nhân khác là những con khỉ bị bắt giữ dễ dàng trốn khỏi nơi cư trú dành riêng cho chúng ở phía Nam New Delhi và tìm đường về các khu vực trung tâm thành phố.
Trong bối cảnh những nỗ lực kiểm soát khỉ của chính quyền New Delhi chưa đạt hiệu quả, một số người dân thậm chí phải nhờ nước tiểu của loài khỉ Langur lớn hơn để đối phó với chúng. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời vì không phải ai cũng chịu được mùi nước tiểu này.
Ông R.M. Shukla, người đứng đầu cơ quan phụ trách đời sống hoang dã của thành phố, cho biết vấn đề này sẽ không bao giờ được giải quyết, chừng nào người Hindu vẫn còn cho khỉ ăn thường xuyên.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo