Quốc tế

Nga - Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng và thương mại

Ngày 24-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến New Delhi để củng cố quan hệ quốc phòng và tăng cường các trao đổi thương mại với Ấn Độ, một đối tác lịch sử và là một trong số những khách hàng mua vũ khí quan trọng nhất của Matxcơva.

“Việc thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác với Ấn Độ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga - Tổng thống Putin khẳng định trong bài viết đăng trên nhật báo The Hindu trước chuyến đi - Ấn Độ và Nga là một minh chứng cho sự lãnh đạo có trách nhiệm trên trường quốc tế”.

Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Putin đến Nam Á sau khi trở thành người đứng đầu nước Nga vào tháng 5-2012. Giới quan sát khẳng định điều đó cho thấy Nga đang quan tâm đặc biệt đến Ấn Độ, nước nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự hàng đầu, chiếm đến 79% nguồn cung cấp của Nga. Nga và Ấn Độ đã có quan hệ chặt chẽ từ những năm 1950, nhưng New Delhi đã hướng dần đến những thị trường vũ khí khác, và chuyến thăm của ông Putin cùng nhiều bộ trưởng, quan chức cấp cao trong quân đội được Matxcơva xem là cách để giành lại thị trường và phát triển những dự án mới.

Các hợp đồng tiền tỉ

Tổng thống Nga khẳng định quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga đã đạt mức “chưa từng thấy”. Báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ trong chuyến thăm của ông Putin, Nga sẽ bán cho Ấn Độ 71 trực thăng quân sự MI-17 V-5 với giá 1,3 tỉ USD. Đồng thời, Nga sẽ cung cấp gói kỹ thuật trị giá 1,6 tỉ USD để Ấn Độ lắp ráp 42 chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi SU-30MKI. Ấn Độ cũng mua từ Nga 970 động cơ máy bay. Tập đoàn Russia Helicopters và Công ty Ấn Độ Elcom Systems Private cũng sẽ thiết lập một công ty liên doanh để sản xuất máy bay trực thăng.

Đại diện công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport khẳng định Ấn Độ vẫn sẽ là “khách hàng số một” của Nga trong thời gian tới. Nga đang tham gia 20 gói thầu quân sự lớn tại Ấn Độ. Ấn Độ hiện là quốc gia mua vũ khí nhiều nhất thế giới. Từ năm 2000 đến 2010, Nga đã bán cho Ấn Độ 30 tỉ USD vũ khí, bao gồm hàng trăm máy bay chiến đấu, tên lửa, xe tăng, các loại vũ khí khác...

Thương mại song phương tăng lên 20 tỉ USD

Theo một thông cáo của điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo thảo luận “những biện pháp cụ thể” nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự và năng lượng. Hàng loạt hợp đồng sẽ được ký kết. Theo số liệu của Ấn Độ, thương mại song phương hai nước đã không ngừng tăng lên và sẽ đạt con số 10 tỉ USD trong năm 2012. Tổng thống Putin đặt mục tiêu tăng gấp đôi con số này trong ba năm tới.
Tuy nhiên, trong vài năm qua Nga đã đánh mất thế độc quyền cung cấp vũ khí cho Ấn Độ vào tay nhiều đối thủ đến từ Mỹ, Pháp, Israel... Báo India Express cho biết tháng trước, New Delhi đã ký hợp đồng trị giá 1,4 tỉ USD với Hãng máy bay Boeing của Mỹ thay vì một công ty Nga để mua trực thăng. Năm ngoái, Nga cũng thất bại trước Hãng Dassault Rafale trong cuộc đua giành hợp đồng 11 tỉ USD để bán 126 máy bay chiến đấu cho Ấn Độ.

New Delhi tỏ ra không hài lòng với việc Nga chậm giao hàng. Điển hình là tàu sân bay Đô đốc Gorshkov hiện vẫn “nghỉ dưỡng” tại Nga. Theo kế hoạch ban đầu, Nga giao nó cho Ấn Độ vào tháng 8-2008, nhưng lịch giao mới là cuối năm 2013, trong khi chi phí tăng gấp đôi lên 2,3 tỉ USD. “Các công ty vũ khí Nga cần học hỏi từ sai lầm và nâng cao kỹ năng. Cạnh tranh tại thị trường Ấn Độ đang ngày càng gay gắt” - biên tập viên Igor Korotchenko của tạp chí National Defense nhận định.

Đề phòng Trung Quốc

Theo báo The Hindu, New Delhi đã lên kế hoạch chi 100 tỉ USD trong 10 năm tới để nâng cấp lực lượng quốc phòng, phần lớn vẫn dựa vào lực lượng khí tài từ thời kỳ Liên Xô. Giới quan sát Ấn Độ và quốc tế nhận định nền kinh tế lớn thứ ba châu Á quyết tăng cường sức mạnh quân sự để đề phòng mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Trong thời gian qua, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đã xấu đi do tranh chấp lãnh thổ. Đầu tháng 12, báo India Express đưa tin đến tháng 3-2013 quân đội Ấn Độ sẽ trang bị hàng chục máy bay trực thăng chiến đấu cho lực lượng đóng ở dãy Himalaya, chủ yếu là khu vực biên giới dài 4.057km giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tháng 11, một số quan chức chính quyền Ấn Độ tiết lộ New Delhi đang điều động thêm binh sĩ đến khu vực biên giới với Trung Quốc do lo ngại nguy cơ Trung Quốc xâm lấn như đã từng xảy ra thời gian qua. Hồi cuối tháng 11, dư luận và chính quyền Ấn Độ cũng phản ứng dữ dội với vụ Trung Quốc phát hành hộ chiếu có in hình bang Arunachal Pradesh và khu vực Aksai Chin của Ấn Độ.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo