Nga bất ngờ trì hoãn nghị quyết lên án Triều Tiên thử tên lửa
Theo Reuters, việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án các vụ thử thử tên lửa gần đây nhất đã không nhận được sự ủng hộ của Nga, bởi Matx-cơ-va đã trì hoãn với việc đưa ra một số đề xuất sửa đổi vào bản dự thảo vốn đã được 14 thành viên còn lại, trong đó có đồng minh của Triều Tiên là Trung Quốc, nhất trí.
Theo một số nguồn tin, dường như Triều Tiên đã bắn thử hai tên lửa đạn đạo liên lục địa vào 28/4 nhưng đã thất bại. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Liu Jieyi tháng trước cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang thảo luận nhằm đưa ra các biện pháp đáp trả Bình Nhưỡng.
"Hội đồng Bảo an LHQ cần phản ứng nhanh chóng. Do vậy, chúng tôi không hiểu vì sao Nga lại trì hoãn trong khi tất cả các thành viên khác của HĐBA, trong đó có Trung Quốc - quốc gia láng giềng và là đồng minh thân cận của Triều Tiên - có thể nhất trí", phó đại sứ Anh tại LHQ Peter Wilson cho biết.
Hôm 02/5, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin khẳng định rằng, Matx-cơ-va đã bổ sung "một số sửa đổi vào dự thảo của LHQ nhưng phía Mỹ tỏ ra "không hài lòng".
"Chúng tôi nghĩ rằng, việc các bên liên quan đến bán đảo Triều Tiên giảm quy mô hoạt động quân sự là rất quan trọng", ông Churkin cho biết, ám chỉ tới việc Mỹ và Hàn Quốc đàm phán triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Trước đó, hôm 29/4, Nga và Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Mỹ không lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc, sau khi Washington thông báo đã tổ chức các cuộc đàm phán với Seoul sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, Triều Tiên thường xuyên dọa sẽ phá hủy cả Mỹ và Hàn Quốc.
Các vụ thử tên lửa hôm 28/4 là động thái mới nhất trong một loạt các hành động "khoe" sức mạnh quân sự bắt đầu diễn ra vào tháng 1 với vụ thử hạt nhân lần thứ tư và một vụ thử tên lửa tầm xa hồi tháng 2 của Triều Tiên.
"Rõ ràng Triều Tiên đang thực hiện các hành động khiêu khích và nguy hiểm. Mọi thành viên của Hội đồng Bảo an đều quan ngại về điều này, ngoại trừ Nga", một quan chức của HĐBA giấu tên bình luận.
Các vụ thử của Triều Tiên đã làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Về mặt kỹ thuật, hiện hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh sau cuộc xung đột từ năm 1950 đến 1953 chấm dứt bằng một lệnh ngừng bắn, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.
Hồi tháng 3, HĐBA LHQ đã áp đặt nghị quyết trừng phạt mới nghiêm khắc lên Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo