Quốc tế

Nga cảnh báo hành động 'siết cổ' Triều Tiên

Sức ép đặt lên Triều Tiên vì chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này đã lên tới mức mà nó có nguy cơ "bóp nghẹt" quốc gia này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói và cảnh báo Moscow không ủng hộ phương thức đó.

Người lao động Bình Nhưỡng hiện phải hứng chịu các trừng phạt kinh tế khắc nghiệt, vốn được áp đặt lên nước này do liên tục chống đối Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Mức độ áp lực mà Triều Tiên phải chịu đã tiến gần tới "vạch đỏ" và sau đó, "sự bóp nghẹt với kinh tế Triều Tiên sẽ được khởi động", thứ trưởng ngoại giao Nga Igor Morgulov nói.

 

Ảnh minh họa.

"Nga sẽ không tham gia việc làm đó", quan chức trên nói với hãng tin Interfax. "Chúng tôi coi hành động đó là phản tác dụng, do chỉ trừng phạt kinh tế sẽ không dẫn tới kết quả mà chúng ta tìm kiếm: giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Thêm nữa, về mặt nhân đạo, các trừng phạt sẽ làm tổn thương dân thường và chúng ta phải tính tới việc đó".

Ông Morgulov đã nhắc lại lập trường của Moscow, đó là Mỹ và Hàn Quốc nên dừng các cuộc tập trận chung như một cử chỉ thiện chí nhằm có được cam kết ngừng thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Việc "đóng băng kép" sẽ cho phép Washington và Bình Nhưỡng đàm phán tìm ra giải pháp cho khủng hoảng an ninh hiện nay, thứ trưởng ngoại giao Nga lý giải.

Về phần mình, Moscow sẽ không tham gia các hành động mạnh tay chống Triều Tiên, ông Morgulov cam kết. Ví dụ, Nga sẽ không trục xuất các lao động Triều Tiên đang làm việc tại nước này, mà chỉ ngừng nhận thêm người mới như Liên Hợp Quốc yêu cầu. Hiện, có khoảng 35.000 lao động Triều Tiên đang làm việc ở Nga, tại hầu hết các khu vực biên giới.

Ông Morgulov nói, mặc dù Moscow và Pyongyang khác biệt về vấn đề hạt nhân nhưng vẫn duy trì tiếp xúc qua các kênh ngoại giao. "Quan hệ của Nga và Triều Tiên vẫn bình thường. Hai nước là hàng xóm và có nhiều kênh đối thoại, thông qua bộ ngoại giao, cấp nội các, cấp nghị sĩ....". Quan chức này cũng cho hay, chuyến thăm đang diễn ra của phái đoàn quân sự Nga ở Bình Nhưỡng là một ví dụ cho thấy hai nước vẫn giữ quan hệ trong bối cảnh khủng hoảng hiện có.

 

Theo Vietnamnet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo