Quốc tế

Nga cảnh báo Triều Tiên

Dư luận quốc tế chưa nguôi cảm giác bất ngờ dễ chịu với tuyên bố của Triều Tiên ngừng mọi hoạt động hạt nhân, trong đó có việc thử nghiệm tên lửa tầm xa, cách đây hai tuần thì thứ sáu vừa qua, cũng đột ngột không kém, lại nhận thông tin Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng tên lửa đẩy tầm xa mang theo vệ tinh vào tháng 4 tới.

Mục đích của kế hoạch phóng tên lửa tầm xa được phía Triều Tiên nói rõ là để đánh dấu 100 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Il-sung. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho rằng nước này sẽ tuân thủ nghiêm các quy định của quốc tế, sử dụng các vệ tinh khoa học - công nghệ vì mục đích hòa bình, bảo đảm tính minh bạch và không ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Giới khoa học Triều Tiên còn “trấn an” rằng tên lửa dự kiến phóng đi vào tháng tới sẽ có đường bay “an toàn”...

Thế nhưng phản ứng của quốc tế lại không đơn giản như cách Triều Tiên giải thích. Cảm giác chung là nghi ngờ về sức sống của thỏa thuận “ngừng hạt nhân lấy lương thực” mới đây giữa Triều Tiên và Mỹ nhằm chấm dứt thời gian dài căng thẳng. Không giấu sự thất vọng, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng vụ thử nghiệm là “hết sức khiêu khích” và sẽ làm hỏng nghĩa vụ quốc tế của Triều Tiên.

Hàn Quốc cũng tỏ ra rất quan ngại về kế hoạch phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên và trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng hành động đó sẽ vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. “Nếu Triều Tiên phóng một “vệ tinh ứng dụng” như họ nói, nó sẽ trở thành hành động khiêu khích nghiêm trọng chống hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á” - thông báo nêu rõ.

Trong khi tại Nhật Bản, Chánh Văn phòng Nội các Osamu Fujimura cho biết nước này đã lập một lực lượng đặc nhiệm để theo dõi tình hình. Ông cho rằng việc phóng vệ tinh sẽ cản trở nỗ lực hướng đến một cuộc đối thoại và ông mạnh mẽ kêu gọi Triều Tiên hủy kế hoạch đó.


Đáng lưu ý khi cả Trung Quốc và Nga đã sớm tỏ thái độ với thông báo của Bình Nhưỡng. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trương Chí Quân bày tỏ “lo ngại” khi ông gặp đại sứ Triều Tiên Ji Jae Ryong hôm 16-3: “Chúng tôi mong các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng có thể khiến tình hình thêm phức tạp”.


Không dùng ngôn từ khá quen thuộc và “chẳng mất lòng ai” như Trung Quốc, Nga đã có lời lẽ cứng rắn khi cảnh báo Bình Nhưỡng không nên coi thường cộng đồng quốc tế, nhấn mạnh rằng việc phóng tên lửa - vệ tinh sẽ phá vỡ cơ hội phục sinh các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Liên Hiệp Quốc, Anh, Pháp và một số nước khác cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự.


Có mục đích nào khác ngoài những gì Bình Nhưỡng giải thích cho kế hoạch phóng vệ tinh? Leonid Petrov, giảng viên chuyên về Triều Tiên tại Đại học Sydney, nhận định: “Họ đang cố giết hai con chim bằng một viên đá - giữ được niềm tự hào, phấn chấn của người dân Triều Tiên, trong khi Mỹ không có lý do gì đặc biệt để phản đối vì lẽ các thanh sát viên sẽ được phép vào các cơ sở hạt nhân theo tinh thần thỏa thuận mới đây”.


Công bằng hơn, John Delury, giáo sư Đại học Yonsei (Hàn Quốc), phân tích: “Về mặt pháp lý, Bình Nhưỡng vẫn có quyền phóng một vệ tinh. Nhưng về chính trị, thông báo này là một sự lăng mạ đối với người Mỹ. Nếu Bình Nhưỡng nghiêm túc xây dựng một quan hệ mới với Mỹ, họ cần có những bước đi cụ thể để chứng minh đây thật sự là một cuộc phóng vệ tinh, đồng thời mời các quan sát viên đến chứng kiến”.

 

Và, từ một góc nhìn khác, Park Young-ho tại Học viện Thống nhất Dân tộc ở Seoul cho thấy thông báo phóng vệ tinh có thể được diễn dịch là một cách gây áp lực đối với Mỹ trong những cuộc thương thảo sắp tới.


Tất nhiên, suy cho cùng, động thái phóng vệ tinh là mạo hiểm, bởi về mặt kỹ thuật, Triều Tiên sẽ vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Thế nhưng có vẻ như người Triều Tiên biết họ đang làm gì.


Theo NLĐ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo