Quốc tế

Nga: Còn khó nhưng không sụp

Kinh tế Nga bước vào năm 2015 từ điểm xuất phát bất lợi chưa từng thấy kể từ nhiều năm nay về mọi phương diện và điều đó chưa thay đổi gì sau 2 tháng đầu tiên.

 

Không thể không thấy nền kinh tế này đang rất khó khăn và cả trong thời gian tới vẫn chưa thể nhanh chóng khác đi được. Nhưng đồng thời cũng lại có thể chắc rằng không thể có chuyện kinh tế Nga sụp đổ.

 
Về lý thuyết
 
Nền kinh tế này chịu tác động đồng thời của ba nhân tố là giá dầu lửa giảm, đồng Rúp bị mất giá và tác động của những biện pháp của Mỹ, EU và một số đồng minh trừng phạt Nga về kinh tế, tài chính và thương mại sau khi Nga tiếp nhận Crimea và vì Nga hậu thuẫn phe ly khai ở Ucraine. Hiện tại, giá dầu lửa trên thị trường thế giới đã chớm tăng trở lại và ổn định tương đối nhưng tại mặt bằng thấp đến mức vẫn gây thiệt hại lớn về thu nhập cho Nga. Giá trị đồng Ruble tuy không còn trượt dốc nhanh chóng nhưng chưa thể nói là đã ổn định. Mỹ, EU và một số đồng minh khác tỏ ra tiếp tục duy trì trừng phạt Nga chứ không phải rồi sẽ sớm thay đổi chính sách ấy. Về lý thuyết, trong bối cảnh tình hình như thế thì kinh tế Nga không thể tránh khỏi kịch bản tồi tệ nhất là sụp đổ - như từng đã có lần xảy ra năm 1998.
 
Trên thực tế, kịch bản này cho đến nay đã không xảy ra và cả trong thời gian tới cũng sẽ không xảy ra. Lý do chính là nước Nga hiện tại đã khác xa nước Nga vào thời điểm năm 1998. Khi ấy, nước Nga bị thâm hụt ngân sách nhà nước và cán cân thanh toán vãng lai trầm trọng. Chính phủ Nga phải vay tiền từ nước ngoài và khi đồng Ruble bị mất giá thì mức độ nợ của nhà nước tăng lên thêm rất nhanh.
 
Và thực tế
 
Tình hình hiện tại rất khác vì từ nhiều năm nay, nước Nga luôn dư thừa ngân sách, dư thừa chứ không thâm bụt cân cân thanh toán vãng lai, mức vay nợ của nhà nước chỉ còn không đầy 20% GDP, nếu tính cả của tư nhân và giới kinh tế thì cũng thấp hơn 40% GDP và chủ yếu tính bằng đồng Ruble chứ không phải ngoại tệ. Thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa giảm do giá dầu giảm nhưng đồng Ruble mất giá nên con số tuyệt đối về thu nhập tổng cộng của nhà nước tính quy ra đồng Ruble không thay đổi gì nhiều. Chính phủ Nga đã kiềm chế tác động tiêu cực của việc bị Mỹ, EU và một số đồng minh trừng phạt về kinh tế, tài chính và thương mại bằng những biện pháp trả đũa, bằng tìm kiếm đối tác và thị trường mới. Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất cơ bản và sử dụng dự tữ ngoại tệ để can thiệp nhằm ổn định tỷ giá đồng Ruble. Đồng Ruble lần này bị mất giá không phải bởi thâm hụt ngân sách nhà nước và cán cân thanh toán vãng lai mà bởi dòng tiền chảy ra nước ngoài.
 
Đời sống thường nhật của người dân bị ảnh hưởng nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn rất được lòng dân chúng ở Nga và quan điểm chính sách của ông Putin đối với Crimea, Ucraine, Mỹ, EU và Nato vẫn được họ ủng hộ. Cả điều đó cũng cho thấy tình hình chính trị xã hội ở nước Nga không biến động bất lợi đối với vị thế quyền lực của ông Putin. Nước Nga còn khó khăn về kinh tế nhưng sẽ là ảo tưởng nếu Mỹ, EU hay ai đó khác cho rằng kinh tế Nga rồi đây sẽ sụp đổ và họ tìm cách hạ bệ ông Putin ở Nga bằng tác động làm kinh tế Nga bị sụp đổ.
 
 
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo