Quốc tế

Nga điều một loạt tên lửa tối tân tới Baltic, Mỹ "giật mình"

(DNVN)-Việc quân đội Nga thông báo triển khai một loạt các tên lửa tối tân tại khu vực Baltic nhằm phản ứng tương xứng với các hành động của Mỹ đã khiến Washington phải lên tiếng phản ứng.

Hãng thông tấn Interfax hôm 21/11 đưa tin, quân đội Nga đã triển khai các tên lửa tối tân chống tàu tại khu vực Baltic thuộc phía Tây quốc gia. Cụ thể, quân đội Nga đã triển khai các bệ phóng tên lửa Bastion tới Kaliningrad - khu vực giáp hai quốc gia thành viên NATO là Ba Lan và Litva. 

Ảnh minh họa 

Bastion phóng các tên lửa hành trình siêu âm Oniks, loại hỏa tiễn có tầm phóng lên tới 450km, và có thể được sử dụng chống lại các tàu cũng như các mục tiêu trên đất liền. 

Tuần trước, hỏa tiễn này đã tham gia chiến đấu tại Syria - nơi quân đội Nga đã sử dụng trong cuộc chiến với các phiến quân IS.

Trong diễn biên liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện Nga), ông Viktor Ozerov ngày 21/11 tiết lộ, Nga cũng sẽ triển khai các tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới Kaliningrad để đáp trả các kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ. 

S-400 - hệ thống mà Nga đã sử dụng để bảo vệ căn cứ không quân của họ tại Syria - là một hệ thống tên lửa tối tân có thể theo dõi đồng thời và tấn công nhiều mục tiêu trên không với tầm phóng lên tới 400km. Nếu được triển khai tại khu vực Kaliningrad, S-400 sẽ có thể nhắm tới các tên lửa và máy bay của NATO tại hầu hết các khu vực Baltic.

Iskander có tầm phóng 500km và độ chính xác cao, cho phép nó nhắm chính xác tới các căn cứ của một quốc gia thành viên NATO giáp Nga. Tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. 

 

Động thái trên của Nga đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ,  John Kirby, việc Nga triển khai các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại ở Kaliningrad gây bất ổn cho châu Âu.

"Chúng tôi hiểu Nga có quyền triển khai các lực lượng hạt nhân thông thường trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, việc đưa các hệ thống tên lửa S-400 và Iskander đến Kaliningrad sẽ gây bất ổn cho an ninh Châu Âu", ông  John Kirby nhấn mạnh tại cuộc họp báo hôm 21/11.

Trong khi đó, ông Viktor Ozerov khẳng định, động thái này của Nga được xem như phản ứng tương xứng với các hành động của Mỹ, có khả năng trung hòa các mối đe dọa từ hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington.

Nên đọc
NM (Theo AP, Tass)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo