Quốc tế

Nga giúp doanh nghiệp trả nợ nước ngoài, cứu đồng rúp

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trả nợ nước ngoài với hy vọng giảm bớt áp lực lên đồng tiền quốc gia, ABC News dẫn lời đại diện Ngân hàng Trung ương nước này.

Đồng rúp mất giá khiến lạm phát tăng cao ở Nga - Ảnh: Reuters


Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cung cấp các khoản vay ngoại tệ bao gồm USD và euro với lãi suất cao 17 %, nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đang lún nợ nước ngoài duy trì hoạt động. Động thái này của chính phủ Nga thực sự giúp đỡ nhiều doanh nghiệp lớn của nước này đang đứng trước nguy cơ phá sản khi thị trường huy động vốn phương tây bị đóng băng, trong khi đó đồng rúp thì rớt giá trầm trọng, theo AP 24.12.

Hành động này của Ngân hàng Trung ương Nga nằm trong chuỗi “kế sách” cứu tiền tệ nước nhà của chính quyền Tổng thống Putin trong thời gian gần đây. Trước đó không lâu, chính phủ Nga ra lệnh cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu, bao gồm 2 “đại gia năng lượng” Gazprom và Rosneft, phải bán bớt dự trữ ngoại tệ xuống mức bằng hoặc thấp hơn thời điểm 1.10, theo Reuters ngày 23.12.

Ngay sau đó, đồng rúp có dấu hiệu phục hồi khi 55,4 rúp đổi 1 USD so với mức đáy 80 rúp đổi 1 USD hồi 16.12, theo ABC News 23.12. Các nhà phân tích cho rằng mối quan tâm của Nga hiện tại là lạm phát khi giá nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng vọt do hậu quả đồng tiền quốc gia bị mất giá.

Một số nhà phân tích cảnh báo nếu các biện pháp hỗ trợ đồng rúp khác thất bại thì chính phủ Nga buộc phải áp đặt kiểm soát tiền tệ- vốn, đây được xem là dấu hiệu của sự khủng hoảng.

Mặc dù có dấu hiệu khởi sắc cho tiền rúp nhưng Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin cảnh báo cho cuộc khủng hoảng toàn diện ở Nga. Các chuyên gia dự báo lạm phát ở nước này có thể tăng 10% và kinh tế rơi vào suy thoái 3 tháng đầu năm 2015, theo AP.

Những biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và các nước phương tây lên điện Kremlin liên quan đến chiến sự miền đông Ukraine khiến nền kinh tế nước này đang trên đà suy thoái, cuộc sống người dân thì khốn đốn. Hậu quả trừng phạt càng ngày đi xa và mất kiểm soát, trong khi EU vẫn xem vấn đề của Nga là “nghiêm trọng và đối phó lâu dài”.

 

Thanh niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo