Nga kiểm soát chặt giá đồ ăn
Lạm phát tăng cao cùng lệnh cấm nhập khẩu khiến giá nông sản, thực phẩm tại Nga tăng vọt.
Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich vừa được dẫn lời cho biết, chính phủ nước này đang thảo luận về việc quy định giá trần đối với thực phẩm thiết yếu, trong bối cảnh đồng nội tệ Rúp mất giá mạnh và lệnh cấm nhập khẩu một số nông sản hay thực phẩm của phương Tây trong năm 2014 đã đẩy lạm phát ở nước này gia tăng, tác động tiêu cực tới sức mua của người tiêu dùng trong nước.
Lạm phát của Nga chưa có dấu hiệu giảm nhiệt từ đầu năm 2015 đến nay và dự kiến ở mức 12% vào cuối năm nay, theo dự đoán của Bộ Kinh tế Nga.
Hãng tin Interfax và RIA dẫn lời ông Dvorkovich cho biết, Nga có thể hạn chế tăng giá bán lẻ đối với những mặt hàng có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và sẽ nghiên cứu thiết lập hành lang pháp lý để thực hiện kế hoạch trên. Bên cạnh đó, Chính phủ Nga cũng có thể trao thêm quyền lực cho cơ quan giám sát cạnh tranh quốc gia để kiểm soát việc thực hiện các quy định hiện hành trên thị trường bán lẻ trong nước.
Ông Dvorkovich đưa ra bình luận trên sau một loạt cuộc thanh tra được tiến hành đối với các cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc nhằm phát hiện các hành vi tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, các chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn ở Nga cho rằng các đợt tăng giá của họ thường chậm hơn tỷ lệ lạm phát của nước này.
Trước đó, vào cuối năm 2014, chính phủ Nga đã tăng thêm 15% thuế đánh vào lúa mỳ xuất khẩu nhằm ngăn chặn việc các công ty lợi dụng sự mất giá của đồng Rúp để xuất khẩu quá nhiều ngũ cốc.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi đầu tháng 1/2015 cũng đã phải lên tiếng hối thúc các quan chức chính phủ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng leo thang của giá cả lương thực.
Đối với nền kinh tế nói chung, tuần trước, Chính phủ Nga đã công bố gói biện pháp kích thích kinh tế và chống khủng hoảng trị giá 1.172 tỷ ruble (21 tỷ USD). Kế hoạch 38 trang gồm các phương hướng then chốt nhằm bảo đảm phát triển bền vững nền kinh tế và ổn định xã hội.
Trong đó tập trung hỗ trợ việc thay thế nhập khẩu, tăng xuất khẩu các mặt hàng phi nguyên liệu như hàng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu vực kinh tế trọng yếu; bù đắp thiệt hại do lạm phát gây ra đối với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất; giảm áp lực trên thị trường lao động; tối ưu hóa chi tiêu ngân sách và tăng sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Nền kinh tế Nga đang chịu tác động trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, cùng với sự giảm mạnh của giá dầu.
Theo Cục Thống kê Nhà nước Liên bang, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2014 giảm còn 0,6% từ mức 1,3% của năm trước đó.
Tuy vậy, tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với Tổng thống Vladimir Putin vẫn ở mức cao kỷ lục. Kết quả thăm dò ý kiến dư luận do hãng tin AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề dư luận NORC công bố ngày 18/12/2014, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin ở mức 81% - tức là tăng mạnh so với 58% vào thời điểm nhà lãnh đạo này bắt đầu lên nắm quyền Tổng thống Nga nhiệm kỳ III hồi năm 2012.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo