Nga nợ phương Tây hàng trăm tỉ USD
Các chính trị gia, ngân hàng và tập đoàn của Nga đã vay rất nhiều tiền từ nhà băng phương Tây, làm tăng rủi ro cho cả hai bên khi khủng hoảng Ukraine leo thang.
Theo ngân hàng trung ương Nga, tổng nợ nước ngoài của Nga cuối năm 2013 là 732 tỉ USD, tăng gần 200 tỉ USD trong 2 năm. Trong đó, 160 tỉ USD là khoản vay của doanh nghiệp và nhà băng nước này.
Tuần này, đại gia khai khoáng Metalloinvest cũng cho biết đang đàm phán vay 1,1 tỉ USD với một nhóm ngân hàng, trong đó có các đại gia như Deutsche Bank (Đức), UniCredit (Italy), ING (Hà Lan), Credit Suisse (Thụy Sĩ) và Bank of Tokyo Mitsubishi (Nhật Bản). Metalloinvest thuộc quyền kiểm soát của Alisher Usmanov - người được cho là giàu nhất Nga và thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị họp bàn tìm cách tăng sức ép lên Nga quanh vấn đề Crimea. Họ cũng sẽ gặp Tổng thống Mỹ - Barrack Obama tuần tới để tiếp tục thảo luận việc này.
Mỹ và EU cho rằng Nga đã vi phạm chủ quyền của Ukraine. Vì thế, họ quyết định phong tỏa tài sản và cấm đi lại với hàng chục quan chức Nga. Hôm qua, Mỹ cũng công bố thêm các lệnh trừng phạt mới, bổ sung nhiều quan chức và tỉ phú, cấm người Mỹ giao dịch với ngân hàng Bank Rossiya và đe dọa trừng phạt các ngành kinh tế chủ chốt của Nga.
Tuy nhiên, CNN cho rằng các lãnh đạo EU sẽ phải hành động rất thận trọng trước khi áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga, do việc này sẽ gây hại cả hai bên. Nga và châu Âu có mối quan hệ đầu tư thương mại chặt chẽ với quy mô lên tới 500 tỉ USD mỗi năm.
Kinh tế Nga đã tăng trưởng chậm lại năm ngoái và có thể còn giậm chân tại chỗ năm nay do cuộc khủng hoảng Ukraine, giới phân tích cho biết. Rủi ro với các chủ nợ của Nga vì thế cũng đang tăng lên. Nếu cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, các ngân hàng châu Âu sẽ thiệt hại lớn hơn nhiều so với Mỹ.
Số liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cũng chỉ ra đến cuối tháng 9 năm ngoái, châu Âu cho Nga vay 184 tỉ USD, tương đương 0,4% tổng tài sản ngân hàng khu vực này. Trong khi đó, số liệu này tại Mỹ chỉ là 37 tỉ USD (0,25%).
Ở châu Âu, các ngân hàng Pháp cho Nga vay nhiều nhất, với 51 tỉ USD, theo sau là Italy (29 tỉ USD), Đức (24 tỉ USD), Anh (19 tỉ USD) và Hà Lan (18 tỉ USD). Tuy nhiên, theo CNN, ngành ngân hàng Italy sẽ bị thiệt hại nặng nhất, do tổng cho vay Nga chiếm 1% tài sản, theo sau là Pháp và Hà Lan với 0,6%.
Theo Viện Kinh tế quốc tế (IIF), kể cả nếu Nga không bị áp các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn, nền kinh tế 2.000 tỉ USD của nước này vẫn sẽ mất hơn 1% trong 2 năm, do vốn đầu tư và cho vay từ nước ngoài giảm xuống.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 30/12/2024: Chỉ số USD Index đạt mốc 108 điểm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài 1: Kỳ vọng ngành hàng giá trị tỷ USD
Đề xuất tập trung phát triển các dạng năng lượng tái tạo
Giá nông sản ngày 30/12/2024: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu duy trì mức cao
Giá heo hơi ngày 30/12/2024: Xu hướng ổn định với mức giá cao
Những biến số nào sẽ làm gia tăng áp lực tỷ giá trong năm 2025?
Cột tin quảng cáo