Quốc tế

Nga sắp trình làng “tên lửa sát thủ”

Hệ thống tên lửa RS-26 mới nhất của Nga, được mệnh danh là “sát thủ chống tên lửa phòng thủ”, sẽ được đưa vào phục vụ trong quân đội từ năm 2016.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M phức tạp của Nga. Ảnh: RIA Novosti


Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Trung tướng Sergey Karakayev, chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga (SMF), cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục chương trình thử nghiệm RS-26 và có kế hoạch hoàn thành nó vào năm tới để trang bị cho quân đội từ năm 2016”.

Hiện tại, có rất ít thông tin về loại tên lửa “xuyên mọi lá chắn” của Nga do thế hệ này được phát triển bí mật. RS-26 là một loại tên lửa nhiên liệu rắn, có khả năng tách đầu đạn tiên tiến và bắn ra từ bệ phóng di động.

RS-26 do Viện Công nghệ Nhiệt Moscow chế tạo dưới tên mã Rubezh (Frontier) hoặc Avangard (Vanguard). Phó Thủ tướng Nga phụ trách quốc phòng Dmitry Rogozin từng gọi RS-26 là “sát thủ ABM”, đồng thời tuyên bố “cả hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Mỹ cũng không thể ngăn chặn loại tên lửa này”.

Theo RIA Novosti, Moscow đã thử nghiệm RS-26 ít nhất 4 lần, trong đó có 3 lần thành công. Tuy nhiên, không có bất kỳ thông tin chính thức nào về các vụ thử nghiệm sau năm 2013.

Trung tướng Karakayev cũng cho biết Nga đang phát triển tên lửa đạn đạo hạng nặng mới Sarmat có thể phóng từ hầm phóng silo, hoàn thành trong năm 2020. Sarmat sẽ được triển khai tới Uzhur (ở khu vực Krasnoyarsk) và Dombarovsky (ở khu vực Orenburg), ông Karakayev tiết lộ.

Theo một số nguồn tin, tên lửa Sarmat nặng khoảng 100 tấn và có tầm hoạt động 5.500 km. Nó được cho là thay thế tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-18 Satan của quân đội Nga.

Giữa tháng 12 vừa qua, ông Karakayev thông báo Moscow đang xây dựng một hệ thống tên lửa đường sắt mới tên gọi Barguzin, chuẩn bị đưa vào thử nghiệm. Quân đội Liên Xô cũ trước đây cũng sử dụng một hệ thống tên lửa đường sắt nhưng sau đó bị cấm bởi hiệp ước START 1991.

Còn hiện tại, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nhấn mạnh hiệp ước START 2010 không cấm việc xây dựng tàu tên lửa. Barguzin sẽ phục vụ trong quân đội tới năm 2040, vượt xa người tiền nhiệm của Liên Xô cũ về độ chính xác, phạm vi hoạt động và một vài đặc điểm khác.

Như vậy, quân đội Nga hiện sở hữu 3 nhóm tên lửa: phóng từ hầm silo, bệ phóng di động và tàu hỏa.

Liên quan tới quyết định muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo động thái này gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu và chỉ trích phương Tây lợi dụng việc Kiev gia nhập để khoét sâu cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine.
 

nld.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo