Xã hội

Nga thật sự không sợ ‘đòn đau’ của phương Tây và Mỹ?

Nga đang phải hứng chịu trừng phạt rất cứng rắn của EU và Mỹ. Mặc dù Tổng thống Putin và đa phần người dân Nga vẫn rất bình thản, nhưng có thật Moscow không hề sợ “đòn” của phương Tây hay không?
Theo Thời báo New York (NYT), sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ công bố các lệnh trừng phạt cứng rắn với Nga, Tổng thống Vladimir Putin vẫn tự tin vào tương lai của Nga khi không có phương Tây.
 
Tổng thống Putin vẫn rất tự tin dù Nga đang phải hứng chịu biện pháp trừng phạt rất cứng rắn của EU và Mỹ.
 
Vài ngày trước khi EU và Mỹ tuyên bố hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp với ban cố vấn. Tại đây, ông khẳng định rằng nước Nga cần tự lực cánh sinh.  
 
Theo điện Kremlin, trong cuộc gặp trên, ông Putin đã phát biểu rất lạc quan như sau: "Dù chúng ta có gặp khó khăn gì đi nữa thì thành thực mà nói, cho đến giờ, tôi vẫn chưa nhìn thấy khó khăn nào lớn cả. Tôi nghĩ rằng những biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ về mặt nào đó lại mang lại lợi ích cho chúng ta bởi chúng cho chúng ta động lực cần thiết để phát triển sản xuất ở những lĩnh vực mà chúng ta chưa bao giờ làm".
 
Kết quả thăm dò hôm 29/7 của Trung tâm thăm dò dư luận Nga Levada cho thấy, công chúng Nga gần như không quan tâm hay chẳng có vẻ gì lo lắng về các lệnh trừng phạt. Hơn 60% số người được hỏi nghĩ rằng họ sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì hoặc bị ảnh hưởng rất ít bởi các biện pháp trừng phạt đó. Tổng thống Putin vẫn được ủng hộ với tỷ lệ cao.
 
Tuy nhiên, NYT cho rằng, bên dưới vẻ mặt bình tĩnh đó có một mối lo ngầm đang ngày càng tăng tại Nga. Mối lo ngại đó là, đến bao giờ Nga mới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt mới sẽ tổn hại tới mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trong nhiều năm tới, phá hủy nền kinh tế nước này tới mức mà những người dân Nga bình thường cũng có thể cảm nhận được.
 
Thảm kịch MH17 được cho là đã xáo trộn những chiến lược của ông Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
 
Theo NYT, chiến thuật của ông Putin đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các đợt sóng bất ngờ và liên tiếp mà cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo ra.
 
Ngày càng có nhiều nhà phê bình cho rằng, ông Putin và những người theo đường lối cứng rắn tại Kremlin đã quá tự tin khi cho rằng Nga vẫn có thể phát triển mà không cần phương Tây.
 
Ông Nikolai Petrov, một nhà phân tích chính trị độc lập cho biết: "Họ không ngờ phương Tây lại phản ứng mạnh mẽ như vậy. Những gì đang xảy ra khác với những gì họ muốn và dự đoán".
 
Ông này cùng với nhiều nhà phân tích khác cũng chỉ ra rằng việc máy bay MH17 của Malaysia bị rơi ở miền đông Ukraine đã làm xáo trộn những nỗ lực khá thành công của ông Putin trong việc duy trì sự ủng hộ của công chúng, những người dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, các “thủ lĩnh chính trị” và cộng đồng doanh nghiệp tự do.
 
Ông Petrov cho rằng những tính toán của ông Putin chỉ đúng trước khi thảm kịch MH17 xảy ra.
 
Theo NYT, bên trong nước Nga, cảm giác giận dữ trước việc đang dần bị cô lập đang ngày càng lớn.
 
Không chỉ có những lời chỉ trích bên trong quốc hội Nga. Hồi tuần trước, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Itar-Tass, ông Alexei Kurdin, cựu Bộ trưởng Tài chính, đồng minh thân cận của ông Putin, đã đưa ra lời chỉ trích hiếm hoi đối với chính sách của điện Kremlin về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Ông Kurdin lo ngại rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ đưa nước Nga vào "cuộc đối đầu lịch sử" với phương Tây và làm chậm sự phát triển của Nga. Theo ông, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không muốn Nga lại một lần nữa trở thành kẻ thù của phương Tây.
 
Ông nói: "Trong kinh doanh, mọi việc rất khác, các doanh nhân muốn được đầu tư, xây dựng các nhà máy và phát triển thương mại".
 
Một số nhà phân tích lại không cho những nhận xét trên là lời chỉ trích đối với Krelim, mà là dấu hiệu cho thấy ông Putin đang muốn dừng can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Họ cũng liên kết những lời bình luận trên với một bài xã luận trên nhật báo kinh doanh Kommertsant của một nhà báo thân cận với ông Putin với ngụ ý tương tự.
 
Ông Lev Gudkov, Giám đốc trung tâm thăm dò dư luận Levada cho hay: "Theo tôi, chúng ta đang đối mặt với một tình huống nghiêm trọng. Nhưng xã hội chúng ta không nhận ra được điều đó do đang sống trong niềm hân hoan và lòng yêu nước".
 
Chủ tịch quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov và Tổng thống Nga Vladimir Putin cầm bút ký Hiệp ước sáp nhập Crimea hồi tháng Ba.
 
Niềm hân hoan đó có lẽ xuất pháp từ việc Nga sáp nhập Crimea một cách rất nhẹ nhàng và dường như không hề có đổ máu hồi tháng Ba vừa qua. Người dân nghĩ rằng cuộc khủng hoảng Ukraine cũng có thể giải quyết dễ dàng như vậy.
 
Ông Gudkov cho rằng: “Hoàn cảnh đã thay đổi đáng kể sau vụ rơi Boeing” của Malaysia. Theo điều tra của tôi, phản ứng trong nước rất nhỏ, nhưng thái độ của công chúng phương Tây với Nga đã có sự thay đổi đáng kề”.
 
Tuy nhiên, NYT cho rằng, chưa có một dấu hiệu trực tiếp nào từ phía ông Putin cho thấy ông muốn thay đổi chiến lược.
 
Các quan chức cấp cao của Nga cũng rất bình tĩnh. Phát biểu hôm 28/7 về nguy cơ bị phương Tây trừng phạt, Ngoại trưởng Nga Sergey V.Lavrov nói: “Chúng ta không thể phớt lờ. Tuy nhiên, để bị rơi vào trạng thái bị kích động và phản ứng một cú đấm bằng một cú đấm, đối với một nước lớn, là không đáng”.
 
Ông bày tỏ sự thất vọng khi cuộc khủng hoảng Ukraine đã phá vỡ các mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, nhưng vẫn cảnh báo sai lầm này sẽ khiến cho khủng hoảng Ukraine trầm trọng hơn mà thôi.
 
Ông nói: “Không ai thấy vui khi mối quan hệ giữa các đối tác bị phá vỡ. Chúng tôi đang cố gây ảnh hưởng ở Ukraine để đưa tình hình từ đối đầu sang đàm phán”.
 
Thậm chí, một số quan chức Nga tin rằng họ có thể thay thế mối quan hệ với phương Tây bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo