Nga - Trung "gật đầu", HĐBA LHQ giáng đòn trừng phạt Triều Tiên
Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết thắt chặt trừng phạt Triều Tiên nhằm trả đũa vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng. Nghị quyết do Mỹ soạn thảo đã nhận được sự nhất trí của tất cả các thành viên HĐBA, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Nghị quyết mới cấm hàng dệt may xuất khẩu của Triều Tiên và hạn chế nhập khẩu dầu thô.
Theo các quan chức Mỹ, lệnh trừng phạt quy định việc chấm dứt hợp đồng lao động ở nước ngoài đối với lao động Triều Tiên, trấn áp các nỗ lực buôn lậu, xử phạt các cơ quan chính phủ Triều Tiên.
Lệnh trừng phạt còn nhằm vào đảng Công nhân Triều Tiên, bao gồm Quân ủy Trung ương, cũng như trừng phạt cá nhân nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong Sik.
Tuần trước, Mỹ đã đệ trình dự thảo nghị quyết trừng phạt lên HĐBA LHQ, tuy nhiên sau các cuộc thảo luận Washington đã có một số sửa đổi đối với nghị quyết này nhằm giành sự ủng hộ của các đồng minh Triều Tiên là Trung Quốc và Nga.
Đây là nghị quyết trừng phạt thứ 9 được hội đồng gồm 15 thành viên nhất trí thông qua kể từ năm 2006 về chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Triều Tiên. Theo đó, Mỹ đã từ bỏ ý tưởng ngừng cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên và đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt trong việc tuyển dụng lao động Triều Tiên, cũng như áp đặt lênh trừng phạt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp hòa bình đối với vấn đề Triều Tiên và xác nhận tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước. Nghị quyết cũng khẳng định, tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh khu vực.
Sau khi nghị quyết được thông qua, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết, Washington không muốn chiến tranh với Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng vẫn chưa vượt qua "giới hạn không thể quay đầu".
"Nếu Triều Tiên đồng ý ngừng chương trình hạt nhân, nước này có thể khôi phục lại tương lai của mình. Nếu Bình Nhưỡng chứng minh được có thể sống trong hòa bình thì thế giới cũng sẽ sống trong hòa bình với Bình Nhưỡng", Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo