Nga và cuộc chạy đua vũ trang mới trên phạm vi toàn cầu
Mức gia tăng lớn nhất thuộc về Saudi Arabia. Vào năm 2015, khối lượng nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của nước này đạt con số 9,3 tỷ USD. Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 về xuất khẩu vũ khí: trong năm 2015 họ đã bán được gần 23 tỷ USD vũ khí và khí tài. Theo Báo cáo của Công ty Thương mại Quốc phòng, vị trí thứ hai thuộc về Nga, nước này đã bán vũ khí và thiết bị quân sự tổng trị giá 7,5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Cơ quan Liên bang Nga về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự, con số này cao gấp hai lần: gần 15 tỷ USD.
Các nhà phân tích giải thích sự gia tăng nhu cầu về vũ khí và trang thiết bị quân sự bởi sự leo thang tình hình căng thẳng trong các khu vực và trên phạm vi toàn cầu, cũng như bởi việc các bên không có kỹ năng hoặc không sẵn sàng giải quyết ngay cả những xung đột song phương thông qua đàm phán, mà không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực.
Trên thực tế, xu hướng gia tăng mua sắm vũ khí được ghi nhận trên khắp thế giới. Nhưng, trong các khu vực với những cuộc xung đột ở Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á, xu hướng này là đặc biệt nguy hiểm. Sau khi mua sắm các loại vũ khí mới nhất các nước đó "bị cám dỗ" sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Thị trường vũ khí toàn cầu là một hệ thống phức tạp của mối quan hệ kinh tế thương mại. Việc bán vũ khí không chỉ tạo ra thu nhập mà còn tạo ra cơ hội tác động đến tình hình quân sự-chính trị toàn cầu, tăng cường tiềm lực quân sự của các nước đồng minh, thử nghiệm trong những điều kiện thực tế các loại vũ khí mới, và gửi đơn đặt hàng cho các xí nghiệp thuộc khối quân sự-công nghiệp của đất nước.
Tuy nhiên, trong việc xuất khẩu vũ khí phải có những hạn chế. Nếu không, thị trường vũ khí sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn với những hậu quả rất khó lường: cả cho những nước bán hàng và khách hàng.
Nếu nói về Nga, thì nước này tiếp tục phát triển tíc sự hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự với các đối tác truyền thống trong CIS, cũng như với các đối tác ở châu Á và Mỹ Latinh.
Trong sự hợp tác này Matxcơva tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc nhất định. Ví dụ, Iran là đối tác có thể mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho Nga trong sự hợp tác kỹ thuật quân sự. Nhưng, chỉ sau khi giải quyết vấn đề "hạt nhân" và dỡ bỏ lệnh trừng phạt Tehran mới bắt đầu tái trang bị gần như toàn diện quân đội và sẵn sàng chi khoảng 40-60 tỷ USD để hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có điều khoản cấm cung cấp cho Iran các loại vũ khí tấn công hạng nặng trong 5 năm tới, và tên lửa và công nghệ tên lửa — trong 8 năm tới. Ông Sergei Chemezov, Giám đốc tập đoàn chế tạo vũ khí nhà nước Rostec của Nga cho biết, trong thời gian này Nga sẽ không cung cấp cho Iran các loại vũ khí tấn công, kể cả xe tăng và máy bay chiến đấu.
Đồng thời, Nga tiếp tục cung cấp cho Iran các hệ thống phòng thủ, bao gồm cả các hệ thống phòng không, cũng như các loại vũ khí "không gây chết người" và phụ tùng thay thế. Như dự kiến, sau khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp hạn chế được ghi trong nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sự hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Iran sẽ phát triển tích cực hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo