Ngắc ngoải cá tra
Treo ao
Ấp Thới Bình A, phường Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ), trước đây có khoảng 100 hộ nuôi cá tra, nay chỉ còn 10 hộ. Một trong những hộ còn nuôi là ông Võ Văn Đệ cho biết, ông có hai ao thì nay đã “treo” một ao.
Ao “treo” do cuối năm 2011, ông bán hơn 100 tấn, giá 26.000-27.000 đ/kg, nhưng phải sau ba đến bốn tháng mới lấy được hết tiền, tính ra không lời nên nghỉ thả giống. Ao còn lại, diện tích 3.000 m2, kích cỡ cá đã hơn 1 kg/con nhưng chưa bán được dù đã tìm mối từ lúc cá mới 0,7 – 0,8 kg/con.
“Như ngồi trên đống lửa, cá ngày càng quá lứa, đến 70-80 tấn cá dưới ao tốn thêm tiền nuôi mỗi ngày không ít, hiện chưa thấy hy vọng thoát lỗ”, ông Đệ nói.
Ở tỉnh Vĩnh Long, ông Hồ Văn Vàng là Phó chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh, có 19 ao nuôi cá tra diện tích 17 ha ở cồn Quế Thiện, xã Quế Thiện (Vũng Liêm, Vĩnh Long), nay đã “treo” sáu ao.
Nguyên nhân, theo ông Vàng, lãi suất tiền vay ngân hàng một năm vẫn 20-21%, nhưng vay khó. Ông Vàng kể về chuyện khó vay vốn của ông, hạn mức ông được vay 70 tỷ đồng, tài sản có 10 tỷ đồng, nhưng mới vay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB) 42 tỷ đồng thì không vay được nữa.
Xuất khẩu cá tra năm 2011 đạt 1,8 tỷ USD, kế hoạch năm 2012 là hai tỷ USD. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, quý I/2012, xuất khẩu cá tra sang 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt 425 triệu USD, tăng 13% so cùng kỳ năm trước. Giá cá tra fillet khoảng ba USD/kg, riêng thị trường Mỹ khoảng bốn USD/kg. |
Ở xã Vĩnh Tiến (Thoại Sơn, An Giang), một vùng nuôi cá tra tập trung khá lớn, có hợp tác xã Vĩnh Khánh một thời khá giả.
Xã viên Dương Văn Thành có sáu ha nuôi cho biết, ông cần khoảng 10 tỷ đồng, ngân hàng chỉ cho vay bốn tỷ lãi suất một tháng 1,9% - 2,1%, nên phải vay thêm tiền bên ngoài với lãi suất một tháng 4%.
Đình đốn
Công ty CP Thủy sản An Phước ở xã An Phước (Mang Thít, Vĩnh Long) có nhà máy chế biến cá tra công suất 300 tấn nguyên liệu/ngày, chỉ hoạt động 10% công suất.
Tổng giám đốc Lê Tấn Phước cho biết, giá xuất khẩu fillet cá tra hiện rất thuận lợi, 3 – 3,1 USD/kg ở các thị trường châu Á, nhưng chế biến vẫn lỗ do lãi ngân hàng cao.
Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu Thủy sản Hùng Cường khá hơn, nhưng cũng chỉ hoạt động 50% công suất.
Ở tỉnh Vĩnh Long, cả sáu nhà máy chế biến thức ăn cá tra đã tạm dừng hoạt động.
Một chuyên gia trong ngành cho biết, ở đồng bằng sông Cửu Long bình quân chỉ còn khoảng 20% nhà máy chế biến thức ăn cá tra hoạt động.
Đại lý bán thức ăn cá tra hầu hết cũng đang bị nợ nần vây bủa, hoạt động rất khó khăn. Nên nhiều đại lý thức ăn cá tra không bán gối đầu hay trả chậm như trước nữa, mà phải “tiền trao cháo múc”, ít nhất người nuôi phải trả 50-70%.
Người nuôi càng khó khăn và cả ngành sản xuất kinh doanh cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn chưa thoát được do thiếu vốn.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao