Môi trường

Ngậm ngùi sông Lô thời… vắng cá

Sông Lô một thời là nơi kiếm sống của hàng ngàn người dân ở hai bờ sông này. Đây cũng là nơi lưu giữ nguồn lợi thủy sản, khoáng sản vô cùng quý giá. Thế nhưng, thật buồn là giờ đây tất cả những gì người dân ven sông từng có đã lững lờ trôi theo con nước đi vào dĩ vãng…

Hơn ai hết, hàng trăm người dân cùng nhiều thế hệ sinh sống ở trong những ngôi nhà nổi bồng bềnh trên dòng sông Lô dưới chân cầu Nông Tiến, TP. Tuyên Quang (Tuyên Quang) biết rõ lượng thủy sản dồi dào mà dòng sông cung cấp nay đã không còn như trước. Đồng nghĩa với cuộc sống của họ cũng thay đổi theo chiều hướng không mong muốn.

 

Sông Lô thời vắng cá

 

Có mặt ở hầu hết các chợ lớn tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang chúng tôi bất ngờ khi chứng kiến những góc chợ thủy hải sản phần lớn là hàng chuyển từ miền xuôi lên như cá trích, các nục … rồi những chú cá nước ngọt béo ngậy được nuôi bằng thứ thức ăn tăng trọng như cá vược, cá chim, trắm, mè…

 

Chúng tôi muốn mua một ít cá sông, suối nhưng hỏi ai người ta cũng lắc đầu “không còn nữa đâu”, bỗng dưng ở sạp hàng kế bên có một phụ nữ nói như giới thiệu: “Mấy anh em muốn mua cá sông thì xuống sông hỏi mấy nhà nổi may ra có”.

 

Nghe theo lời giới thiệu chúng tôi đánh cược với sự may rủi và tìm đến “xóm nhà nổi” dưới chân cầu Nông Tiến – cây cầu “vô duyên” bắc qua cả khuôn viên của thành nhà Mạc – di tích cấp quốc gia đã hơn 500 tuổi nay bỗng như…lò gạch, sau khi tu sửa.

 

 

Lặng lẽ xóm chài

 

Thoạt nhìn thấy đoàn khách lạ chị chủ căn nhà nổi trân trọng bắc cầu mời khách vào nhà. Qua trò chuyện chúng tôi biết cái tên của chị như đã thể hiện ra khuôn mặt hiền lành chân chất – chị tên Nguyễn Thị Hiền, 54 tuổi, đời thứ ba sinh sống tại đây. Như lời chị Hiền nói thì con cái chị đã trưởng thành và đi làm ăn xa, nhà còn hai vợ chồng cao tuổi ngày ngày chài lưới bắt cá nuôi nhau.

 

Để đỡ mất thời gian của chị, chúng tôi tỏ ý muốn mua ít cá sông “chính hiệu”. Chị Hiền cười khuẩy rồi chỉ tay vào chiếc chài rách tươm, từng thanh chì nhỏ treo lủng lẳng bởi dây cước. Chị nói: “Các chú đừng tưởng chài nhà tôi rách là vì cá to xuyên thủng nhé, nó rách là vì lâu nay quăng toàn dính cây, que. Có hôm vợ chồng tôi quăng cả buổi cũng chỉ được vài con cá nhỏ không đủ bữa. Lấy đâu ra cá to nữa”.

 

Nghe chị Hiền giãi bày mà tôi sực nhớ đến mấy câu “quảng cáo” của đám bạn sinh viên kể về quê hương mình gần chục năm về trước. Nào là trước đây ở sông Lô ngay gần nhà tôi đầy cá to, cá Anh Vũ (tiến Vua) Rầm xanh mà quấy đuôi là bọt tung mặt nước. Muốn ăn cá đặc sản sông Lô chỉ cần thả mồi câu là ăn đủ. Ấy vậy mà giờ chị Hiền nói vậy liệu có đáng tin?

 

Chị Hiền đang "mơ về những ngày xưa" cá nhiều

 

Tôi hoài nghi về cái nhìn của chị Hiền về nguồn lợi thủy sản mà dòng sông Lô mang lại nên thẳng thắn hỏi: “ Chị dựa vào đâu để khẳng định dưới lòng sông này không còn cá như trước?”. Đúng lúc đó chồng chị ngồi bên định trả lời câu hỏi của tôi. Nhưng chị Hiền như đã ấp ủ những tâm sự không nên xảy ra này từ lâu nên chị buông một chàng dài khiến chồng chị và chúng tôi chỉ biết im lặng và nghe chị kể.

 

“Ngày xưa muốn lấy được cá sông Lô ăn hoặc bán chỉ cần đứng ở nhà quăng chài, thả câu là ăn chán chê mê mệt. Thậm chí khi vo gạo đổ nước xuống sông cá nhỏ xúm lại hàng đàn, dùng vợt vớt nhanh cũng đã dính cá.

 

Bây giờ có mà lên tận thượng nguồn sông Gâm ở Chiêm Hóa, Na Hang hay sông Bạc (Hà Giang) cũng chẳng còn cá. Nên phần lớn người dân “làng nổi” này phải tỏa đi nhiều nơi, lên tận vùng lòng hồ thủy điện đánh cá, có những chuyến họ đi cả tháng mới về nhưng thành quả là vừa đủ tiền xăng dầu chạy thuyền. Không tin các chú đi cả “làng nổi” này xem còn ai khỏe mạnh ở nhà”- Chị Hiền bức xúc quả quyết như vậy.

 

Góc khuất sau xóm chài

 

Lặng lẽ xóm chài

 

Để chứng minh lời chị Hiền nói, chúng tôi qua cầu sang nhà bên cạnh, nói là qua cầu cho hoành tráng chứ chỉ là vài ba cây luồng ọp ẹp buộc lại. Gặp ông Trần Văn H., dường như ông đã nghe được câu chuyện của chúng tôi từ bấy đến giờ. “Chị Hiền nói đúng đó các chú à” – ông H. nói.

 

Nhà ông H. cũng không khác nhà chị Hiền là mấy, như những gì chúng tôi nhìn thấy, khoảng chục nóc nhà san sát nổi trên mặt nước đều giống nhau như đã được quy hoạch theo phong thủy, tựa lưng vào núi, cửa hướng ra sông, ngay cả những cây cầu, mái lợp đều tất cả như một, thậm chí có nhà còn xây dựng cả “hệ thống” chống gió bão tốc mái. Thêm nữa, những ngôi nhà nổi đều được xây dựng kết cấu bằng một loại vật liệu là cây luồng.

 

Dẫn chúng tôi “nhảy” lên đám ruộng ngô xanh mơn mởn sau nhà, ông H. quơ tay một vòng và nói: “Cả xóm này chỉ canh tác được ít ngô, còn tất cả những thứ khác đều khai thác từ dòng sông Lô. Xưa kia tôm cá dồi dào, nhờ nó mà vợ chồng tôi nuôi được các con ăn học tử tế.

 

Thời điểm vài ba năm lại đây người ta khai thác vàng bừa bãi gây ô nhiễm nước sông, nhiều người có tiền sắm thuyền, kích điện công suất lớn để “tận diệt” nên sông gần như đã cạn nguồn tôm, cá” – Ông H. hướng ánh mắt đăm chiêu nhìn về thượng nguồn dòng Lô mà thở dài thườn thượt.

 

Xóm nổi bên dòng sông Lô chủ yếu là những cư dân cao tuổi

 

Dẫn chúng tôi thăm một số hộ ở “xóm nổi”, nhà nào cũng chỉ có hai vợ chồng già trông nhà, trẻ nhỏ thì hầu như không thấy. Ông H. chia sẻ: “Vào các ngày lễ, tết “xóm nổi” này cũng đông vui lắm, con cháu đi làm ăn xa về đoàn tụ lên đến vài trăm người. Chứ ngày mùa, ngày hè như bây giờ cả xóm vắng tanh vắng ngắt. Nhiều đứa trẻ nhân dịp nghỉ hè đã theo thuyền cha mẹ ngược xuôi đánh cá. Những đứa lớn tuổi hơn thì xin lên thành phố làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi sở dĩ “xóm nổi” này thiếu vắng thanh niên và những người trong độ tuổi lao động là vì nguồn lợi thủy sản mà dòng sông mang lại đã sụt giảm đáng kể. Hiện nay các loài cá quý từng sinh sống lâu đời ở sông Lô gần như đã cạn kiệt. Sông Lô vắng cá, đồng thời công ăn việc làm của những dân chài cũng dần đi vào ngõ cụt. Vậy nên “xóm nổi” dưới chân cầu Nông Tiến chỉ còn cách tỏa đi nhiều nơi để kiếm sống. Để rồi xóm đã vắng cả trở nên neo người.

 

Theo GĐVN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo