Pháp luật

Ngăn chặn hàng giả qua thương mại điện tử: Tăng xử phạt!

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT & CNTT) - Bộ Công Thương, thời gian qua, hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện tràn lan trên các website TMĐT. Điều này đặt ra yêu cầu quản lý chặt hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

CôngThương - Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong 8 tháng đầu năm đã nhận được gần 800 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có tới 74% là khiếu nại về TMĐT, mua bán trên internet... Trò lừa phổ biến nhất hiện nay của các website TMĐT là nhận tiền nhưng không giao hàng. Ngoài ra còn có hiện tượng khách hàng chuyển tiền và nhận được hàng, nhưng là hàng nhái, giả, kém chất lượng. Như trên trang mua sắm có địa chỉ Muachungtb.vn, dây lưng mang thương hiệu Hermes chỉ bán với giá 379.000 đồng. Một trang web mua sắm “khủng” như Hkshop.vn cũng la liệt các mặt hàng nhái thương hiệu cao cấp với giá vài trăm nghìn đồng như dây lưng Gucci, kính mắt Rayban… Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, tình trạng lừa đảo trên TMĐT ngày càng phức tạp, trong đó phổ biến là hàng điện tử và hàng có giá trị. Các hành vi lừa đảo qua các cổng thanh toán trung gian có giá trị lên tới hàng tỷ đồng.
 
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT - khẳng định, hiện có trên 1.100 doanh nghiệp đăng ký website bán hàng qua mạng và khoảng 150 website cung cấp dịch vụ TMĐT. Nhưng thực tế, số lượng website bán hàng qua mạng chưa đăng ký còn lớn hơn gấp nhiều lần, nhất là những website bán hàng của cá nhân lập và thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter…
 
Trong năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý trong phát triển TMĐT, như: Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, Nghị định 185/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất hàng giả, hàng cấm... nhưng tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện trên các website TMĐT.
 
Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái qua TMĐT, nhất là những địa phương có số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia TMĐT cao như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… ông Trần Hữu Linh cho biết, hiện Cục TMĐT và CNTT đang phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều website vi phạm. Trong những tháng cuối năm, Cục tiếp tục đồng hành với Chi cục QLTT trong việc kiểm tra và xử lý các website TMĐT kinh doanh hàng giả, hàng nhái, đồng thời tuyên truyền để người dân tránh mua phải hàng hóa kém chất lượng.
 
Ngoài ra, trong giai đoạn 2014-2015, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu quy chế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT. Ông Trần Hữu Linh chia sẻ thêm, Cục TMĐT và CNTT sẽ đưa ra nhiều giải pháp cho một số vấn đề như quản lý giao dịch điện tử qua điện thoại, trách nhiệm của các chủ sàn giao dịch TMĐT, các mạng xã hội; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm.
 

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT:

 
Các mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT, kể cả các mạng xuyên biên giới như Facebook, nếu không tuân thủ việc đăng ký sàn giao dịch TMĐT với Bộ Công Thương có thể bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng.

 

Báo Công Thương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo