Ngân hàng ACB: Lời quảng cáo của bầu Kiên và mặt tối của "bức tranh sáng"
Hết lời tri ân ACB
Trong lời cuối của mình trước HĐXX, bầu Kiên đã dành khá nhiều thời gian để nói về ngân hàng TMCP Á Châu - vốn được xem như "ngọn nguồn" cho số tiền mà bầu Kiên đã gây thiệt hại. Và như "một lời tri ân", bầu Kiên đã không tiếc lời khen ngợi ngân hàng "ruột" của mình với một niềm tin mãnh liệt.
Cụ thể, ông bầu một thời đình đám khẳng định ACB là ngân hàng quản trị tốt nhất Việt Nam: "Tôi nghĩ rằng khách hàng của ngân hàng Á Châu hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, NH này là NH được quản trị tốt nhất trong tất cả các NH thương mại VN, tất cả các hoạt động được công khai, minh bạch và được điều hành có hiệu quả."
Đối với đội ngũ nhân sự của ngân hàng này, bầu Kiên nhấn mạnh không được cắt lương, đuổi việc: "đối với hơn 15 ngàn cán bộ NH Á châu, những người đã và đang giúp NH Á Châu làm ra rất nhiều việc thành công trong 20 năm qua, tôi mong các anh chị em sẽ tiếp tục làm việc thật tốt, cùng với ACB xây dựng đất nước này, xã hội này… Tôi cũng đã yêu cầu vợ tôi, yêu cầu ban lãnh đạo ACB ngày hôm nay không được cắt lương, không được đuổi việc những người này, vì họ là những thành phần lớn, những người đã tạo dựng ra thành công của ACB ngày hôm nay".
Tuy nhiên, có vẻ như hơn 20 tháng trôi qua đã khiến bầu Kiên xa rời với hiện thực. Bởi trong khi bầu Kiên bị tạm giam, ở bên ngoài, ACB thực sự đã rơi vào "tâm bão" và có không ít đổi thay mà có lẽ ông bầu không hoặc chưa biết!
Có một mặt tối của “bức tranh sáng”
Nếu như Bầu Kiên hết lời khen cho ACB như “bức tranh sáng” để các ngân hàng khác noi gương và minh chứng cho mình thì tại ACB hiện nay có một thực tế hoàn toàn khác. Còn nhớ thời điểm giữa năm 2012 là thời gian ACB bị quay cuồng trong tâm bão khi bầu Kiên cùng hàng loạt lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này bị bắt. Thậm chí tình cảnh khó khăn còn khiến ACB phải gửi "tâm thư" nhằm trấn an các nhà đầu tư. Và hệ quả từ sụt giảm giá trị cổ phiếu, từ những khoản đầu tư vàng không hiệu quả đã đẩy ngân hàng này thua lỗ tới 520,7 tỷ đồng chỉ tính riêng trong Quý III/2012.
Và sau gần 2 năm, những cải cách mạnh mẽ từ vị trí lãnh đạo cấp cao cũng như thay máu hàng loạt cũng mới chỉ đủ để đưa ngân hàng ACB thoát lỗ và có lãi rất khiêm tốn so với mặt bằng chung của các NHTMCP. Cụ thể, theo thống kê quý I/2014, lợi nhuận trước thuế của ACB chỉ đạt 318 tỷ đồng trong khi những ngân hàng từng đứng sau ACB một thời đều có mức lợi nhuận ấn tượng hơn. Có thể kể đến như ngân hàng Sacombank đạt 750 tỷ đồng, Techcombank đạt 673 tỷ đồng, Eximbank đạt gần 445 tỷ đồng... Vậy nên, để nói như bầu Kiên, ngân hàng ACB là ngân hàng TMCP được quản trị tốt nhất Việt Nam chắc vẫn cần tương lai trả lời, còn ở hiện tại thì có lẽ là không!
Về việc bầu Kiên tuyên bố yêu cầu vợ ông cùng ban lãnh đạo ACB không được cắt lương, không được đuổi việc các cán bộ, nhân viên mà theo ông là "những người đã tạo dựng ra thành công của ACB ngày hôm nay", có lẽ bầu Kiên không hoặc chưa biết NH này đã sa thải tới hàng ngàn nhân viên!
Theo đó, để có được sự cải thiện về lợi nhuận, ACB thường xuyên lọt "top" các ngân hàng cắt giảm nhân sự nhiều nhất. Nếu như con số bầu Kiên đưa ra là 15.000 nhân viên thì tính đến hết quý 3/2013, số lượng nhân viên chính thức của NH này chỉ còn 9.005 người (giảm 6.000 người). Thậm chí, chỉ trong duy nhất Quý III/2013, ACB đã cắt giảm tới 703 nhân sự.
Đi cùng với cắt giảm nhân sự là cắt giảm lương. Tính tới hết quý 3/2013, quỹ lương dành cho nhân viên của ngân hàng này đạt 1.151 tỷ đồng, giảm 319 tỷ đồng (21,7% so với cùng kỳ năm 2012). Theo báo cáo thu nhập của ACB, năm 2013 lương bình quân của mỗi cán bộ nhân viên ACB là 16,9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số bình quân, còn thực tế lương của cán bộ nhân viên ACB thấp hơn nhiều. Vị trí giao dịch viên lương trung bình của cán bộ ACB mỗi tháng chỉ khoảng 6-6,5 triệu đồng/tháng. Thậm chí, hồi năm 2012 khi bầu Kiên bị bắt, thu nhập của cán bộ nhân viên ACB đồng loạt giảm tới 30% (vị trí giao dịch viên đang từ 8 triệu đồng/tháng chỉ còn 4,5-5 triệu đồng/tháng).
Như vậy có thể thấy, dù đã cố gắng "nói tốt" hết sức cho ngân hàng ACB, nhưng không thể phủ nhận, thực tế đã khác xa so với những lời phát ngôn của bầu Kiên. Cũng đúng thôi, bởi chìm trong vòng xoáy khó khăn, ai cũng phải thay đổi để sinh tồn, và ACB cũng không ngoại lệ!
End of content
Không có tin nào tiếp theo