Thị trường

Ngân hàng “giấu” gói 30.000 tỷ, chào mời vay thương mại

Nhiều ngân hàng đang hướng khách hàng có nhu cầu vay vốn sửa chữa nhà từ gói ưu đãi 30 nghìn tỷ, sang gói vay thương mại của mình.

Đã gần 4 tháng sau khi Thông tư 32/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, nhiều ngân hàng vẫn chưa triển khai cho vay xây, sửa nhà từ gói 30 nghìn tỷ đồng. Vài ngân hàng tuy đã triển khai, nhưng lại nhiệt tình tư vấn cho khách chuyển sang gói vay thương mại.

 

Ngân hàng “ngó lơ” cho vay ưu đãi

 

Cố vay mượn để mua được một mảnh đất 35m2 trị giá 1,2 tỷ đồng ở xã Xuân Đỉnh, huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chị Thu Hà, công tác tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam dự tính vay khoảng 300 triệu từ gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng để xây một căn nhà hai tầng đơn giản, đỡ cảnh thuê nhà. Tuy nhiên, suốt một tuần qua, chị đã “gõ cửa” rất nhiều ngân hàng mà vẫn chưa vay được tiền.

 

“Nhiều ngân hàng bảo không biết chương trình vay, có ngân hàng bảo cứ chờ, sắp được vay. Có ngân hàng bảo cứ nộp hồ sơ, rồi đợi trả lời. Quy định cho vay xây nhà, sửa nhà từ gói 30 nghìn tỷ có hiệu lực từ ngày 25/11/2014, mà sao đến giờ các ngân hàng vẫn lúng túng vậy”, chị Hà phàn nàn.

 

Sáng 19/3, trong vai một công chức muốn vay 200 triệu từ gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ để sửa nhà, PV Báo Giao thông đã tới phòng giao dịch VP Bank trên đường Giải Phóng (Hà Nội). Một nam nhân viên ngân hàng ở đây cho hay, gói 30 nghìn tỷ chỉ cho vay để mua nhà, chưa cho vay để xây hay sửa nhà. “Hiện chưa thấy ngân hàng chỉ đạo, hướng dẫn gì về gói vay này”, nhân viên nói.

 

Tại phòng giao dịch Agribank trên đường Phương Liệt (Hà Nội), nhân viên tín dụng trên tầng hai của tòa nhà Agribank cũng nói ngân hàng này không triển khai gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho vay để xây mới, sửa chữa nhà ở. Hàng loạt phòng giao dịch của các ngân hàng có tham gia gói 30 nghìn tỷ như: Bảo Việt Bank, Eximbank, Saigon Bank, Tien Phong Bank, Nam Á, SeaBank... cũng “lắc đầu” tương tự khi hỏi về thủ tục vay tiền xây, sửa nhà từ gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng.

 

Nhân viên chi nhánh Eximbank trên đường Xã Đàn cho hay, có thể quy định đã có hiệu lực, nhưng ngân hàng cần thời gian để xây dựng gói vay. “Chắc thời điểm ban hành quy định mới rơi vào cuối năm, rồi dịp nghỉ Tết nên ngân hàng chưa triển khai kịp”, nhân viên này nói.

 

Thuyết phục khách hàng vay thương mại

 

Sau khi cho biết gói vay xây nhà, sửa nhà từ 30 nghìn tỷ đồng chưa được triển khai, các nhân viên tín dụng nhiệt tình tư vấn cho khách hàng chuyển sang các gói vay thương mại. Tại phòng giao dịch Tân Mai (Hà Nội) của Vietinbank, nhân viên tín dụng tên Nghĩa cho hay: “Chưa có gói vay ưu đãi sửa nhà, chị nên chuyển sang gói vay của ngân hàng, lãi suất cũng mềm lắm, chỉ 7%/năm”. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ, được biết mức lãi suất 7%/năm chỉ áp dụng cho năm đầu tiên và các năm sau áp dụng lãi suất thả nổi cộng thêm 3,5% nữa.

 

Một nhân viên tín dụng của Vietcombank Ba Đình thì thẳng thắn cho biết, Vietcombank có cho vay xây, sửa nhà từ gói ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng, nhưng điều kiện vay khá khó khăn. “Chị vay 200 triệu trong 2-3 năm, số tiền vay ít, thời gian vay ngắn thì càng khó vay, hay chị chuyển sang gói vay của ngân hàng, đảm bảo vay được”, nhân viên nói và nhanh nhảu tư vấn, Vietcombank đang triển khai chương trình vay vốn mua nhà đất, xây sửa nhà, mua ôtô... với mức lãi suất hấp dẫn chỉ từ 7,5%/năm. Nhưng thực chất, mức lãi suất 7,5%/năm chỉ dành cho thời gian ưu đãi khoảng 6 tháng đối với khoản vay từ 24 tháng trở xuống và khoảng 12 tháng với khoản vay trên 24 tháng.

 

Nhân viên Ngân hàng TPBank cũng “ngó lơ” khi khách hàng hỏi vay gói 30 nghìn tỷ, nhưng nhiệt tình tư vấn chương trình khuyến mại “Hiện thực hóa ước mơ - Vay lãi thấp bất ngờ”, áp dụng cho cả vay xây sửa nhà, lãi suất chỉ từ 3,9%/năm. “Mức lãi suất này được ưu đãi trong những tháng đầu, sau đó sẽ áp mức 8% trong năm đầu, còn sau đó theo mức thị trường”, nhân viên TPBank tư vấn.

 

Theo thông tin từ một cán bộ tín dụng Ngân hàng Agribank, có một thực tế, các ngân hàng không mặn mà triển khai gói vay 30 nghìn tỷ, bởi họ chỉ được hưởng mức “phí” chênh lệch khi cho vay chỉ khoảng 1,5%, mức này khó bù đắp được rủi ro, chi phí khi thực hiện cho vay. Còn các nhân viên tín dụng càng không mặn mà, bởi họ bị “khoán” định mức phải cho vay thương mại hàng tháng khá cao, nên mới có chuyện họ “lờ” gói vay ưu đãi để hướng khách hàng sang gói vay thương mại.

 

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, các ngân hàng cần có chủ trương khuyến khích gói vay 30 nghìn tỷ đang có tốc độ giải ngân khá chậm trong khi thời hạn kết thúc chỉ hơn một năm (đến ngày 1/6/2016). “Sự nhiệt tình của ngân hàng sẽ thúc gói 30 nghìn tỷ “chạy” nhanh hơn, cái này cần có sự đôn đốc từ ngân hàng cấp trên”, ông Võ nói.

 

 Theo Thông tư 32/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 25/11/2014, khách hàng cá nhân được vay nhà để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà với mức vay tối đa 70% chi phí xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lại nhà ở, nhưng không vượt quá 700 triệu đồng. Có 15 ngân hàng tham gia cho vay từ gói 30 nghìn tỷ đồng, gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, MBH, Bảo Việt, Đại Chúng, Eximbank, Saigon Bank, Tien Phong Bank, SHB, Nam Á, Đông Nam Á, Việt Nam Thịnh Vượng và Phương Đông.

Theo báo Giao thông
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo