Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh tỷ giá nữa không?

Liệu Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh tỷ giá nữa không khi đã dùng hết room 2% theo kế hoạch?

 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng câu chuyện điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm khó khăn hơn nhiều. Yếu tố bên ngoài diễn biến không thuận lợi về giá dầu và tỷ giá USD.

“Room điều chỉnh đã hết, do vậy, từ nay đến cuối năm nếu thị trường bên trong và ngoài có biến động mạnh sẽ cần phải xem xét khả năng có điều chỉnh khác hay không. Nếu có cần có động thái truyền thông rõ ràng với thị trường”, ông Lực phân tích.
 
 
Giải tỏa tâm lý kỳ vọng của thị trường
 
Ông Lực nhận định quyết định điều chỉnh tỷ giá 1% của Ngân hàng Nhà nước thể hiện tính chủ động của cơ quan này vì nó vừa đáp ứng tâm lý kỳ vọng của thị trường và phù hợp về mặt thời điểm.
 
“Thời điểm ở đây là quan hệ cung – cầu ổn qua số liệu phân tích cụ thể. Tuy nhiên, cầu này cũng nhích hơn trong những ngày vừa qua do việc một số ngân hàng chốt trạng thái ngoại tệ do nhập siêu 4 tháng đầu năm đâu đó khoảng 3 tỷ USD. Cộng với yếu tố khách quan bên ngoài: đồng USD tiếp tục tăng giá so với các đồng ngoại tệ: Từ đầu năm đến giờ, USD tăng 5%, so với Yên Nhật, nó tăng 2%, so với EUR khá mạnh, khoảng 6-7%, cả bên trong lẫn bên ngoài”, ông Lực phân tích.
 
Ông Lực cũng cho rằng điều chỉnh thời điểm này sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu. “Xuất khẩu của chúng ta đang tăng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với nhập khẩu. Tất nhiên, sẽ có tác động một phần vào các nhân tố khác. Quan trọng hơn, điều chỉnh bây giờ tạo cho doanh nghiệp thế chủ động lập kế hoạch kinh doanh từ nay đến cuối năm, đặc biệt là 6 tháng cuối năm”, ông Lực nhận định.
 
Bình luận về quyết định điều chỉnh tỷ giá 1%, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, cho rằng chắc chắc sẽ tác động đến chỉ số lạm phát do độ mở của kinh tế Việt Nam, đặc biệt quy mô nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn và từ đầu năm đến nay tốc độ nhập khẩu cao hơn so với xuất khẩu.
 
 Tuy nhiên với mức điều chỉnh 1% lần này do đó việc tác động quá mạnh đến lạm phát sẽ không xảy ra. Thực tế diễn biến lạm phát đến tháng 4 chỉ tăng bình quân 0,8%; còn nếu so với cuối năm 2014 vừa qua thì gần như không tăng (chỉ khoảng 0.01%). Như vậy gần như nó không có tác động quá lớn đến lạm phát. Do đó có thể nói điều chỉnh tỷ giá lần này, tác động là có tuy nhiên không quá lớn và khả năng chúng ta vẫn duy trì được lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu ra cho cả năm”, ông Ánh bình luận.
 
Về phía ngân hàng, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, cho biết ngân hàng thấy rằng việc điều chỉnh tỷ giá cũng là một yêu cầu cần thiết để giúp cho tính thanh khoản của thị trường tốt hơn và cũng để khơi thông tâm lý, giải tỏa kỳ vọng của thị trường.
 
“Việc điều chỉnh này sẽ giúp cho khơi thông, làm cho thanh khoản của thị trường tốt hơn. Thực tế, sau khi có quyết định điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vào khoảng 21.700- 21.715 VND/USD (mua vào – bán ra). Sau đó, vào cuối giờ trưa đã giảm xuống còn 21.670 VND/USD (mua vào); đến đầu giờ chiều 7/5 cũng chỉ ở mức 21.670 – 21.680 VND/USD. Chúng tôi cho rằng, tỷ giá đang quay trở lại trạng thái giao dịch bình thường như trước thời điểm điều chỉnh”, ông Thọ bình luận.
 
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cũng cho rằng sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, đầu giờ sáng có tăng nhẹ nhưng đến đầu giờ chiều đã giảm xuống, dừng ở mức 21.670 – 21.680 VND/USD, ngang với mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố.
 
“Tâm lý thị trường đã được giải tỏa và cung ngoại tệ đã tăng rõ rệt, thanh khoản của cả thị trường liên ngân hàng và thị trường giao dịch của các ngân hàng với khách hàng đều tăng”, ông Hà nhận định.
 
Ông Hà cũng cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này là rất hợp lý giúp ngân hàng và doanh nghiệp có được sự chủ động trong việc lập kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới.
 
“Với mức điều chỉnh này, tôi tin tưởng tính thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn, cả tỷ giá và thị trường ngoại tệ sẽ ổn định trong thời gian dài”, ông Hà bình luận.
 
Không tác động nhiều tới nợ công
 
Về nỗi lo gánh nặng nợ công, ông Ánh cho biết nguyên tắc khi chúng ta điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì phần VND phải chi trả cho nợ công cả gốc lẫn lãi sẽ tăng lên. Tuy nhiên việc điều chỉnh tỷ giá lần này chỉ 1%, nếu tính sang VND cũng chỉ tương đương cỡ 1% và không quá lớn.
 
“Chúng ta trả nợ gốc và lãi bằng ngoại tệ các khoản vay của chúng ta, do đó hiện nay có một xu hướng chúng ta bố trí các nguồn ngoại tệ từ các nguồn khác nhau để sử dụng trong đó có một phần để trả cho phần nợ công kia. Do đó nó không tác động trực tiếp đến vấn đề quan hệ giữa nội tệ- ngoại tệ về mặt tỷ giá hối đoái. Điều này cũng giảm bớt áp lực nợ công do tác động của diễn biến tỷ giá”, ông Ánh phân tích.
 
Về nỗi lo niềm tin của người dân với VND nếu tỷ giá có thể sẽ điều chỉnh nhiều hơn mức 2%, ông Ánh cho rằng câu chuyện 2% là mong muốn, định hướng, nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá hối đoái, tuy nhiên, tình hình diễn biến đã có rất nhiều đổi khác trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế.
 
“Bản chất của tỷ giá hối đoái là linh hoạt và phù hợp với thị trường, bởi vậy, cam kết 2% của Ngân hàng Nhà nước không hẳn cứng nhắc bởi tính linh hoạt là bản chất của chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách về tỷ giá hối đoái, không nhất thiết phải khăng khăng bám giữ vào đó cũng như các yếu tố về điều kiện thị trường mà có thể chủ động thay đổi”, ông Ánh bình luận.
 
Theo ông Ánh, việc hết room 2% nhưng điều đó không có nghĩa từ nay đến cuối năm, tỷ giá chỉ thay đổi theo chiều hướng tăng mà có thể có cả hướng điều chỉnh giảm phụ thuộc vào những điều kiện của thị trường.
 
“Việc đưa ra cam kết đó nhằm ổn định thị trường và các năm trước đã thực hiện được, kể cả năm nay điều chỉnh hơn nữa không có nghĩa là cam kết thất bại mà đây là những diễn biến không lường trước được của thị trường trong và ngoài nước”, ông Ánh bình luận.
 
Theo ông Ánh, mức độ điều chỉnh tỷ giá phụ thuộc vào cơ quan quản lý đánh giá áp lực tỷ giá hối đoái và tìm ra được những nguyên nhân cơ bản về thực tế kinh tế tài chính trong và ngoài nước hay tâm lý kỳ vọng nên mới quyết định điều chỉnh hay không điều chỉnh và điều chỉnh bao nhiêu.
 
Theo ông Ánh, có nhiều cách để đạt được niềm tin của thị trường. Ví dụ như năm 2012-2014 để củng cố niềm tin chúng ta đưa ra cam kết và chủ động thực hiện cam kết đó và thậm chí chưa điều chỉnh tới mức chúng ta cam kết.
 
“Sang năm 2015 này, chúng ta khẳng định niềm tin bằng cách chủ động điều chỉnh những định hướng về điều chỉnh tỷ giá hối đoái và chúng ta vẫn thực hiện theo những dự tính và định hướng đã điều chỉnh đó thì tôi cho rằng nó cũng không ảnh hưởng đến niềm tin”, ông Ánh bình luận.

 

Theo BizLIVE
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo